Đối với công tác chỉ đạo sản xuất, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình tiến hành chỉ đạo cán bộ kỹ thuật phối hợp với cán bộ khuyến nông viên các cấp đôn đốc người dân trong hoạt động chăm sóc lúa và hoa màu, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Chỉ đạo cán bộ thực hiện công tác hoàn thiện hồ sơ quyết toán các nguồn kinh phí thực hiện các mô hình, lớp nghề và các lớp tập huấn thực hiện năm 2023; triển khai và thực hiện kế hoạch năm 2024.
Về kết quả thực hiện công tác khuyến nông, ngay từ những tháng đầu năm, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình đã tập trung hoàn thiện xong hồ sơ quyết toán các nguồn kinh phí thực hiện 17 mô hình năm 2023; các mô hình, dự án được triển khai đúng tiến độ theo hợp đồng ký kết.
Đến năm nay, Trung tâm tiến hành triển khai thực hiện các mô hình dự án thuộc các nguồn kinh phí là Mô hình nguồn kinh phí trung ương với Dự án:“Xây dựng mô hình nuôi cá Lăng nha trong lồng tại vùng lòng hồ thủy điện Sơn La – Hòa Bình theo tiêu chuẩn VietGAP” năm 2.
Quy mô của Dự án này với 350m3 với 2 hộ tham gia, địa điểm tại xã Tiền Phong và xã Vầy Nưa thuộc huyện Đà Bắc. Đã tiến hành tổ chức tập huấn trong mô hình cho các hộ tham gia, các hộ tham gia đã nắm được các phương pháp nuôi và chăm sóc cá Lăng theo tiêu chuẩn VietGAP qua đó các hộ đã có những kiến thức để vận dụng vào thực tế tại hộ gia đình.
Tiếp đến, Mô hình nguồn kinh phí tỉnh Hòa Bình, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình lập kế hoạch, khảo sát, lựa chọn 6 địa điểm thực hiện các mô hình thuộc nguồn ngân sách thực hiện Đề án Khuyến nông trọng điểm năm 2024.Trình Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hòa Bình xem xét trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu thực hiện mô hình thuộc nguồn khuyến nông không thường xuyên năm 2024.
Mô hình nguồn kinh phí của tỉnh Hòa Bình gồm có 3 mô hình, đó là Mô hình “Xây dựng và phát triển mô hình trồng thâm canh Na theo hướng VietGAP phục vụ sản xuất hàng hoá”. Quy mô của mô hình với 4ha và có 4 hộ tham gia, địa điểm tại xã Đồng Tâm, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình.
Cùng với đó là Mô hình “Xây dựng mô hình trồng ngô thương phẩm năng suất cao phục vụ phát triển sản xuất hàng hoá” có quy mô lên tới 9ha với 35 hộ tham gia; địa điểm triển khai ở các xóm khó khăn thuộc xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Mô hình “Xây dựng và phát triển mô hình nuôi lươn không bùn thương phẩm trong bể đảm bảo an toàn sinh học” với quy mô 320m², có 5 hộ tham gia ở xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy, tỉnh Hoà Bình.
Đặc biệt là Mô hình phối hợp, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình triển khai phối hợp Trung tâm khuyến nông tỉnh Sơn La thực hiện dự án: “Sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết, tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Bắc” với mô hình: “Trồng thâm canh chanh leo theo tiêu chuẩn VietGAP” năm 2. Địa điểm thực hiện Dự án tại xã Ngọc Lương, huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình với quy mô 5 ha, có 14 hộ tham gia.
Trong công tác đào tạo dạy nghề, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình tích cực hoàn thiện các hồ sơ chứng từ quyết toán công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 gồm 27 lớp lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp.
Thực hiện công tác đào tạo tập huấn kế hoạch năm 2024, Trung tâm lập kế hoạch thực hiện 2 lớp tập huấn TOT thuộc nguồn Khuyến nông quốc gia trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện 6 lớp tập huấn TOT trong quý II năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện chuyến khảo sát học tập kinh nghiệm tổ chức sản xuất và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cho đối tượng là Nông dân và cán bộ Khuyến nông các cấp tại 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Công tác đào tạo dạy nghề kế hoạch năm 2024, đang được tiến hành khảo sát nhu cầu học viên tham gia các lớp đào tạo nghề thuộc các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản.
Anh Vũ - Nguyễn Khôi - Đại Phong/ VP Tây Bắc