Sinh ra và lớn lên tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), cô giáo Nguyễn Thị Tâm (giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học, THCS Xuân Lập, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) luôn có ước mơ trở thành cô giáo để đưa cái chữ đến với con em đồng bào vùng cao. Chính vì lẽ đó, ngay cả khi nhận được quyết định của Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Tuyên Quang về việc phân công viên chức tại huyện Hàm Yên (cách TP Tuyên Quang hơn 40 km), cô giáo Nguyễn Thị Tâm lại tình nguyện lên với mảnh đất Lâm Bình, đặc biệt lựa chọn xã Xuân Lập là nơi công tác.
Thấm thoắt đã gần 10 năm cô Tâm gắn bó với huyện Lâm Bình, nhớ lại những ngày đầu đến vùng đất mới, cô bồi hồi: “Dù sinh ra và lớn lên cũng ở một huyện miền núi, nhưng khi đến với Lâm Bình, đặc biệt là xã Xuân Lập (một trong những khá khó khăn nhất của huyện Lâm Bình), thực sự có quá nhiều điều khác lạ, ngoài việc lo lắng khi xa gia đình, điều kiện khí hậu, khó khăn đủ điều về cơ sở vật chất... cũng khiến tôi mất một thời gian dài để làm quen”.
Nhưng bấy nhiêu đó khó khăn cũng không làm cô gái trẻ chùn bước, nản lòng, cô Nguyễn Thị Tâm chia sẻ, sự nhiệt tình, chất phác, thật thà, thân thiện, mến khách của con người nơi đây có lẽ là liều thuốc tinh thần tốt nhất giúp cảm xúc của cô được “kéo lên”, đó cũng là động lực giúp cô Tâm gắn bó, cống hiến cho mảnh đất này đến nay đã được gần chục năm.
Gần mười năm gắn bó với nghề, cô Tâm cũng trải qua đủ quá trình gian nan, vất vả, đủ cung bậc cảm xúc khi xác định gắn bó, cống hiến cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp nơi đây. Cô nhớ lại: Trong suốt những năm từ lúc mới nhận công tác, việc thường xuyên đi công tác, giảng dạy gặp khá nhiều khó khăn, nhiều điểm đường chưa được hoàn thiện, giao thông đi lại vất vả… đã phần nào thoáng chốc khiến cô cảm thấy chạnh lòng.
Nhiều em học sinh có tư tưởng nghỉ học, ở nhà, chính vì thế, những buổi đi tuyên truyền, vận động học sinh đến lớp, tại các thôn, bản đối với cô Tâm và cả các thầy cô giáo ở đây là công việc thường xuyên. Bên cạnh đó, cô Tâm và đồng nghiệp thường xuyên đến tận nơi tâm sự, lắng nghe, tìm hiểu nguyên nhân để có hướng giải quyết, giúp các em yên tâm đến lớp.
Vượt qua mọi nỗi khó khăn, sự tâm huyết, yêu nghề xuyên suốt những năm qua luôn thôi thúc cô tìm tòi ra nhiều phương pháp giảng dạy mới, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ. Cô Nguyễn Thị Tâm luôn tâm niệm, ngôi trường cũng như ngôi nhà, học sinh cũng như những đứa con của mình, ngôi nhà có phát triển thì bản thân mới phát triển, học sinh có thành công thì chứng tỏ con cái mình phát triển thành công.
Với đặc thù là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, hầu hết học sinh tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học, THCS Xuân Lập là con em dân tộc thiểu số, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hưởng các chế độ chính sách xã hội, do vậy, không ít theo học còn mang tâm lý đi học để lấy trợ cấp, khi ấy, cô Nguyễn Thị Tâm cùng các thầy, cô trong nhà trường ngoài việc truyền tải kiến thức cho các em, còn phải làm công tác tâm lý, tư tưởng, “truyền lửa” để các em nhận thức rõ ràng việc học.
Vượt lên khó khăn, cô Nguyễn Thị Tâm cũng như hàng trăm, hàng ngàn thầy, cô giáo khác đang công tác tại những nơi vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn vẫn hằng ngày gieo con chữ ở nơi “đá sỏi”, vun trồng những “hạt giống” tương lai bằng tình yêu thương, trách nhiệm, kiến thức bổ ích với tâm niệm mong muốn những học trò thân yêu của mình vững bước, tự tin, trưởng thành sau khi tốt nghiệp, để trở thành những công dân có ích cho xã hội, đóng góp, xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu đẹp, vững mạnh hơn.