Trong báo cáo chiến lược tháng 4 vừa được công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định nếu người tiêu dùng Mỹ mua nhiều hàng hóa nhập khẩu hơn nhờ gói kích thích kinh tế, VDSC kỳ vọng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ gói kích thích của Hoa Kỳ do mối quan hệ thương mại ngày càng gia tăng giữa Việt Nam với Hoa Kỳ.
VDSC cho biết, vào tháng 3 năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký gói kích thích kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ USD. Theo đó, gói kích thích kinh tế sẽ cung cấp hỗ trợ cho hầu hết người Mỹ (ví dụ: hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, tăng phúc lợi cho người thất nghiệp và các hộ gia đình nghèo), và nhiều hình thức hỗ trợ khác (ví dụ: tín dụng thuế, tài trợ cho chính quyền bang và địa phương, chương trình phân phối vắc xin Covid-19).
Với gói kích thích của Mỹ tương đương với 2,5% GDP toàn cầu, nền kinh tế Mỹ được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh trong năm 2021, theo đó nhu cầu tiêu dùng cao ở Mỹ sẽ thúc đẩy kinh tế toàn cầu hồi phục.
Theo VDSC, trong báo cáo gần đây nhất về triển vọng kinh tế, OECD kỳ vọng gói kích thích kinh tế của Hoa Kỳ cùng với việc tiêm chủng nhanh hơn có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ thêm 3 điểm phần trăm vào năm 2021, đồng thời gia tăng nhu cầu nhập khẩu các đối tác thương mại chính của Hoa Kỳ.
VDSC cho biết, vào năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tương đối tích cực mặc dù kinh tế Hoa Kỳ suy thoái. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với mức xuất khẩu tăng 25,7% so với cùng kỳ trong khi tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam trên tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng từ 2,6% trong năm 2019 lên 3,0%.
Nếu người tiêu dùng Mỹ mua nhiều hàng hóa nhập khẩu hơn nhờ gói kích thích kinh tế, VDSC kỳ vọng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ gói kích thích của Hoa Kỳ do mối quan hệ thương mại ngày càng gia tăng giữa Việt Nam với Hoa Kỳ.
Theo ước tính của Allianz SE, khoảng 360 tỷ USD của gói kích thích sẽ được chi cho nhập khẩu, theo đó, xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng tương ứng 1,4% GDP trong giai đoạn 2021-22 nhờ gia tăng nhu cầu về máy tính, đồ nội thất và hàng dệt may.
Đi đôi với cú hích đối với hoạt động xuất khẩu là rủi ro lạm phát. Trong cuộc họp FOMC vào tháng 3, Fed giữ nguyên lãi suất chính sách và chương trình mua tài sản trong khi nâng các dự báo về GDP, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát. Tuy nhiên, Fed đã lập luận rằng sự gia tăng chi tiêu trong tiêu dùng bắt nguồn từ các biện pháp kích thích kinh tế sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và không làm nền kinh tế tăng trưởng quá nóng. Do đó, lạm phát chỉ xảy ra tạm thời trong khi các động lực lạm phát dài hạn không thay đổi.
Mặc dù vậy, VDSC cho rằng rủi ro lạm phát vẫn đang tác động mạnh lên tâm lý các nhà đầu tư, thể hiện qua việc lợi suất trái phiếu vẫn tăng mạnh sau khi các nhà đầu tư đã thẩm thấu hàm ý chính sách từ cuộc họp của Fed. Điều này cho thấy rằng các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn, do đó, tương tự như sự kiện thu hẹp các gói nới lỏng định lượng xảy ra vào năm 2013, việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu có thể xảy ra khi chính sách tiền tệ của Mỹ chuyển hướng.
Trong trường hợp này, VDSC tin rằng Việt Nam sẽ có vị thế tốt để đối diện với rủi ro khi lợi tức trái phiếu Mỹ tăng cao khiến dòng vốn chảy ra ngoài, biến động tiền tệ và áp lực trả nợ gia tăng. Cần lưu ý rằng Chính phủ Việt Nam đã xây dựng vùng đệm quan trọng bằng cách tăng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục 100 tỷ USD vào cuối năm 2020. Ngoài ra, việc củng cố tài khóa dần dần cũng đã giúp cải thiện không gian tài khóa và các chỉ số nợ vay quốc gia trong những năm gần đây.
Tạ Thành