Trong báo cáo phân tích mới được cập nhật đối với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – VCB), Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ nhờ tín dụng tăng trưởng, NIM mở rộng và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ngoại hối gia tăng. So sánh với quý liền kề, lợi nhuận sau thuế của Vietcombank tăng 2,2% so với quý trước.
Báo cáo phân tích của BVSC cũng cho biết tín dụng tăng trưởng cao. Cụ thể, theo BVSC, Vietcombank đã tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong nửa đầu năm nhờ hạn mức tín dụng cao trong bối cảnh hạn mức tín dụng toàn ngành tương đối hạn chế. Mức tăng tín dụng chậm lại trong Quý 3 khi hạn mức tín dụng không còn nhiều.
Tính tới hết Quý 3/2022, tổng tín dụng Vietcombank đạt mức 1.141 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% QoQ tương đương với 17,4% YTD. Mặc dù Vietcombank được cấp thêm hạn mức tín dụng trong đầu Quý 4 nhưng tổng hạn mức tín dụng còn lại chỉ khoảng 1% nên dư địa tăng trưởng tín dụng là không còn nhiều trong bối cảnh khả năng có thêm một đợt cấp hạn mức tín dụng nữa là không cao.
Tăng trưởng tín dụng trong Quý 3 được trải đều trên cả ba nhóm là khách hàng doanh nghiệp lớn, SME và khách hàng cá nhân. Cuối Quý 3/2022, VCB chỉ nắm giữ 11.255 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, giảm 4,9%% YTD và giảm 3% QoQ. Tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trên tổng tín dụng của Vietcombank chỉ ở mức 1%. Đây là mức rất thấp giúp cho Vietcombank giảm thiểu khả năng chịu tác động tiêu cực trực tiếp từ trái phiếu doanh nghiệp.
Cũng theo BVSC, tăng trưởng huy động tiếp tục thấp. Cụ thể, Quý 3/2022 tăng trưởng huy động của Vietcombank đạt mức 5,1% YTD tương ứng với 0,2% QoQ. Đây tiếp tục là mức tăng trưởng thấp hơn khá nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Điều này đã kéo mức LDR thuần lên 94,2%, là mức cao lịch sử của Vietcombank nhưng vẫn thấp hơn khá nhiều so với các ngân hàng thường mại cổ phần khác. Chúng tôi cũng lưu ý thêm là lượng tiền gửi kho bạc tại Vietcombank tăng lên khá nhiều trong thời gian qua và đã quay lại tiệm cận với mức cao của năm 2019. Điều này có thể giúp cho Vietcombank giảm áp lực tăng lãi suất để huy động vốn từ thị trường 1 cũng như hỗ trợ làm chậm lại tốc độ gia tăng chi phí vốn.
BVSC cho biết: “Quý 3/2022, CASA giảm 0,49% về mức 34,9%. Đây là mức sụt giảm nhẹ và nhẹ hơn đa số các ngân hàng khác. Xu thế sụt giảm CASA do các ngân hàng hết hạn mức tín dụng dẫn tới khách hàng quản trị chặt chẽ hơn nguồn tiền mặt cũng như gia tăng cho vay mượn lẫn nhau để tối ưu hiệu quả. Chúng tôi cho rằng với vị thế hàng đầu và chính sách miễn phí chuyển khoản cũng như miễn phí quản lý tài khoản thì Vietcombank sẽ thu hút khách hàng tốt hơn và tiếp tục duy trì vị trí CASA hàng đầu trong các ngân hàng niêm yết”.
NIM giảm nhẹ so với quý liền kề. Cụ thể, theo BVSC, Quý 3/2022, NIM Vietcombank đạt mức 3,26% giảm 7 bps so với quý liền kề và tăng 24 bps so với cùng kỳ. Mức giảm của NIM đến từ lợi suất sinh lợi trên tài sản tăng chậm so với với mức tăng chi phí vốn. Lợi suất sinh lợi trên tài sản tăng 8 bps so với quý liền kề và tăng 24 bps so với cùng kỳ do lãi suất cho vay tăng lên theo xu hướng chung của toàn ngành. NIM của Vietcombank ít chịu áp lực hơn so với các ngân hàng thường mại cổ phần nhưng có thể vẫn sẽ tiếp tục có sự suy giảm nhẹ trong Quý 4.
Chất lượng tài sản suy giảm nhẹ nhưng vẫn ở nhóm đầu. Cụ thể, các chỉ tiêu chất lượng tài sản của Vietcombank có sự suy giảm nhẹ so với cuối Quý 2/2022 như: (1) Tỷ lệ nợ xấu tăng 19 bps lên mức 0.8%; (2) tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm 103% về mức 402%, đây vẫn là mức rất cao và dẫn đầu trong các ngân hàng niêm yết ở Việt Nam; (3) số ngày phải thu tăng 1 ngày lên 33 ngày, đây là mức thấp tương đương với các ngân hàng tập trung bán lẻ. Điểm tích cực là nợ nhóm 2/cho vay khách hàng giảm 18 bps so với Quý 2/22 về mức 0,36% và nợ tái cấu giảm từ 4 nghìn tỷ đồng cuối Quý 2 về còn 2,9 nghìn tỷ đồng. Với mức giảm tương đối mạnh của nợ tái cơ cấu thì Vietcombank được hoàn nhập lại khoản trích lập dự phòng của những món nợ tái cơ cấu này. Tuy nhiên, chi phí dự phòng trong Quý 3 vẫn ở mức cao cho thấy nhiều khả năng Vietcombank tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trích lập dự phòng để tạo ra bộ đệm tốt hơn cho thời gian tới.
Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP với những quy định chặt chẽ hơn ở nhà đầu tư trái phiếu, doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng như các bên liên quan khác. Cùng với đó, lãi suất huy động của ngân hàng cũng tăng lên cạnh tranh với sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp và tâm lý lo ngại của nhà đầu tư trái phiếu trước một số sự kiện trên thị trường trái phiếu trong thời gian gần đây. Điều này có thể làm cho các doanh nghiệp gặp khó khăn để tái cơ cấu trái phiếu đến hạn. Cùng với đó Ngân hàng nhà nước đang thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, lãi suất tăng cao và thị trường bất động sản cũng đang gặp khó khăn có thể sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng thanh toán của khách vay từ đó có thể sẽ làm suy giảm chất lượng tài sản của các ngân hàng. Mặc dù tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp của Vietcombank chỉ ở mức 1% nên Vietcombank có thể sẽ không chịu nhiều tác động trực tiếp nhưng Vietcombank có thể cũng sẽ chịu tác động suy giảm chất lượng tài sản gián tiếp do tình hình chung.
Báo cáo phân tích của BVSC cũng chỉ ra, thu nhập phí dịch vụ tăng mạnh so với Quý 2. Cụ thể, Quý 3/2022, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.102 tỷ đồng, tăng +58,7% QoQ và giảm nhẹ 2,2% YoY. Mức lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh so với quý liền kề nhờ Vietcombank không còn thực hiện ghi giảm phí trả trước trong Quý 2 (do Vietcombank đã ghi nhận phí trả trước cả năm trong Quý 1/2022). Trong Quý 4, Vietcombank sẽ ghi nhận khoảng 850 tỷ đồng phí trả trước giúp cho thu nhập từ phí dịch vụ tiếp tục tăng mạnh so với Quý 3.
BVSC cũng đưa ra quan điểm đầu tư trong báo cáo mới được cập nhật. Theo BVSC, cổ phiếu VCB đã có sự điều chỉnh khá mạnh theo diễn biến điều chỉnh của thị trường kéo mức định giá P/B trượt về quanh 2,72 lần, tương đương với bình quân lịch sử và nằm ở khu vực thấp nhất từ 2018 tới nay.
Tuy nhiên, BVSC quan ngại về chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất tăng cao và biến động trên thị trường bất động sản cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp làm giảm triển vọng của các ngân hàng. BVSC đang xem xét lại dự báo cũng như định giá và sẽ cập nhật trong báo cáo tới.