Vĩnh Phúc: Thực hiện tốt biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu

Trước những diễn biến phức tạp của bệnh Bạch hầu trong thời gian gần đây ở một số tỉnh trong cả nước, Bộ Y tế yêu cầu tổ chức điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu. Thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất số biến chứng nặng và tử vong.

Tháng 7, 2020 cả nước ghi nhận 68 trường hợp dương tính với Bạch hầu, trong đó có 3 trường hợp tử vong theo số liệu của Cục Y tế dự phòng. Dịch xuất hiện ở các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Vĩnh Phúc, từ năm 2001 đến nay, Vĩnh Phúc chưa xuất hiện 1 ca bệnh bạch hầu nào. Tuy nhiên, lịch sử dịch tễ cho thấy Vĩnh Phúc vẫn là nơi có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh, bởi Vĩnh Phúc đã từng là điểm dịch bệnh bạch hầu vào năm 2000 với 67 trường hợp, và 1 ca tử vong.

Đúc kết những bài học kinh nghiệm từ lần chống, dập dịch bạch hầu trước đó, Vĩnh Phúc đã nghiên cứu, tổ chức thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch cụ thể. Với phương châm chống dịch ngay khi có thể, Vĩnh Phúc đã thực hiện sát chỉ đạo của Bộ Y tế về phòng chống dịch, đặt biệt trú trọng đến công tác tiêm chủng cho trẻ dưới 5 tuổi các loại vacxin có chứa thành phần bạch hầu....

Vĩnh Phúc đã chỉ đạo: Đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng vacxin có thành phần bạch hầu đạt trên 95% ở quy mô xã, phường, thị trấn trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý kịp thời ổ dịch, không để dịch lan rộng.. Đảm bảo phân tuyến điều trị, phân loại bệnh nhân, phòng lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế; điều trị hiệu quả hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong; Nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng chống dịch, bảo đảm đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Công tác chỉ đạo kiểm tra được thực hiện theo kế hoạch từ cấp tỉnh xuống cơ sở, thành lập nhiều đoàn kiểm tra, xây dựng quy chế phối hợp liên ngành, huy động sự vào cuộc của các cơ quan, sở ngành liên quan; thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý ổ dịch, sẵn sàng thu dung, điều trị tại các địa phương.

Công tác truyền thông được trú trọng, tập trung nâng cao nhận thức trong phòng chống bệnh bạch hầu cho đại bộ phận nhân dân, tổ chức tuyên truyền tới từng tổ dân cư, khu phố, trường học về tính chất, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh bạch hầu, phương pháp phòng chống dịch; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tiêm chủng cho các gia đình, đảm bảo tiêm chủng đúng lịch, phối hợp tham gia cùng chống dịch;

Các cơ sở y tế chủ động, thường xuyên cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí nhằm hỗ trợ trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền trong cộng đồng nhằm thực hiện các nhiệm vụ truyền thông đạt hiệu quả cao nhất;

Đảm  bảo không bị động, bất ngờ trong công tác phòng chống dịch, Sở Y tế đã chủ động xây dựng, phân công nhiệm vụ trong các hoạt động chuyên môn, như công tác tiêm chủng thực hiện đúng định kỳ, không để xảy ra sai sót, xự cố tiêm chủng; công tác giám sát thường xuyên, liên tục, thành lập các đội phòng chống dịch cơ động,  sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có dịch; dự trữ vật tư phòng chống dịch đầy đủ, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ phòng chống dịch.

Tăng cường năng lực điều trị bệnh bạch hầu cho đội ngũ cán bộ y tế chuyên môn, thực hiện phân luồng khám chữa bệnh, thực hiện đúng các phác đồ điều trị bệnh bạch hầu của Bộ Y tế ban hành;

Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong phòng chống bệnh bạch hầu, sở Y tế Vĩnh Phúc xây dựng công tác tập huấn, đào tạo, cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế các tuyến về các phòng chống bệnh bạch hầu; cập nhật thường xuyên kiến thức chuyên môn của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn trung ương hướng dẫn phòng chống bệnh bạch hầu…

Trong trường hợp có dịch xảy ra, các tuyến Y tế từ Sở Y tế xuống các đơn vị như Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh vĩnh Phúc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, các bệnh viện tuyến tỉnh; Trung tâm Y tế các huyện, thành phố; các trạm y tế tuyến xã đều được giao nhiệm vụ cụ thể, với mục tiêu không để dịch bệnh bùng phát thành ổ dịch, sẵn sàng dập dịch trong khả năng cao nhất.

Với sự chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật lực, phương tiện phòng chống dịch, Vĩnh Phúc đã cho thấy là một tỉnh không chủ quan trong phòng chống dịch bệnh bạch hầu. Bằng chứng gần 20 năm  qua không có 1 ca mắc bệnh bạch hầu nào và đang kiểm soát tốt tình hình bệnh bạch hầu, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Xuân Hậu – Thế Dương