Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn: Thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững

Nông sản Việt Nam xuất khẩu đến 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho chế biến và xuất khẩu còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu thông tin để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngành Nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương thực hiện đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Nông sản Việt Nam xuất khẩu đến 180 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, một trong những hạn chế lớn nhất của ngành nông nghiệp hiện nay là việc phát triển các vùng nguyên liệu nông, lâm sản vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự hợp tác liên kết giữa các hộ nông dân và liên kết với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ. Nhiều vùng nguyên liệu tuy đã dần hình thành nhưng chưa được tổ chức và quản trị, hạ tầng yếu kém, thiếu cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng, nhất là ở các vùng nguyên liệu hàng hóa lớn liên vùng phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Do chưa hình thành được các vùng nguyên liệu gắn với liên kết phục vụ chế biến, tiêu thụ với các doanh nghiệp nên việc triển khai các chính sách của nhà nước chưa được thực hiện đồng bộ, nhất là các chính sách tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, quản lý chất lượng vùng trồng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị. Tất cả những hạn chế trên là nguyên nhân dẫn đến chất lượng và tính cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp hạn chế, hiệu quả sản xuất chưa cao. Trong khi rủi ro, lãng phí sản xuất còn cao, tổn thất sau thu hoạch còn đáng kể, thu nhập của người nông dân còn thấp. Thực tế, nhiều địa phương đã triển khai xây dựng vùng sản xuất nhưng đa phần quy mô nhỏ lẻ, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. 

Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn: Thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững - Ảnh 1

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận định, hiện tại, cơ sở hạ tầng nhiều vùng nguyên liệu nông sản vẫn chưa được đầu tư bài bản, thiếu cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để các ngành chức năng thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã số vùng trồng… Mặt khác, nhiều vùng nguyên liệu chưa gắn với liên kết chế biến, tiêu thụ với doanh nghiệp dẫn tới đầu ra không thuận lợi, thu nhập của người dân còn thấp.

Để tháo gỡ khó khăn trong việc xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND 14 tỉnh xây dựng “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025” và “Đề án khuyến nông cộng đồng giai đoạn 2020-2025”. Theo đó, sẽ hình thành 5 vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung với tổng diện tích 166.800ha, gồm: Cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc; gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững vùng Duyên hải miền Trung; cà phê vùng Tây Nguyên; lúa gạo vùng Tứ Giác Long Xuyên; trái cây vùng Đồng Tháp Mười.

Đề án cũng đề ra mục tiêu: Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong các vùng nguyên liệu; giảm chi phí đầu vào trong sản xuất từ 5-10% cho các thành viên hợp tác xã và nông dân; giảm tổn thất sau thu hoạch 5-10% và tăng giá trị từ 10-20%...

Cùng với đó là áp dụng phần mềm quản lý sản xuất đối với các vùng nguyên liệu cà phê, lúa gạo, trái cây; số hóa thông tin, cơ sở dữ liệu vùng nguyên liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Để việc xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng cần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống của người nông dân sang hợp tác sản xuất an toàn, đạt chuẩn, đồng thời, liên kết với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các đơn vị thu mua nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Toản, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường tiêu thụ nông sản. Trong đó, mặt hàng hoa quả tươi có tính mùa vụ nên bị mất giá, thậm chí không tiêu thụ được. Do đó, khi xây dựng vùng nguyên liệu, các địa phương phải thực hiện xây dựng được chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam yêu cầu, các tỉnh, thành phố; doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân cần nắm rõ nội dung và trách nhiệm của mình trong việc tổ chức thực hiện đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025.

Đồng thời, các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp cần đánh giá, dự báo được những khó khăn, thách thức, để chủ động các giải pháp triển khai nội dung đề án sao cho hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Các tỉnh, thành phố chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan của bộ và chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương rà soát, xác định các nội dung; bố trí nguồn vốn của địa phương và các nguồn vốn khác để thực hiện đề án.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ các địa phương về đào tạo nguồn nhân lực và quản trị cho các hợp tác xã tổ chức sản xuất theo quy hoạch vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ định hướng các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương xây dựng mã số vùng trồng theo quy hoạch, truy xuất nguồn gốc để bảo đảm sản phẩm đạt được các tiêu chuẩn phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như tạo nguồn hàng cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, mang lại giá trị cao, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Bảo Anh