Xuất khẩu chè sang Trung Quốc tăng rất mạnh trong 4 tháng đầu năm 2024, đạt 3,1 ngàn tấn, trị giá 4,4 triệu USD, tăng 173,6% về lượng và tăng 42,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, trong những thị trường lớn nhất của xuất khẩu chè Việt Nam, Trung Quốc là thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất. Bên cạnh đó, một số thị trường cũng đạt mức tăng trưởng cao trong 4 tháng đầu năm là Indonesia, Hoa Kỳ và Malaysia.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính, trong tháng 2 vừa qua, xuất khẩu chè đạt 8 nghìn tấn, trị giá 14 triệu USD, tăng 18% về lượng và tăng 22% về trị giá so với tháng 2/2023. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè ước đạt 20 nghìn tấn, trị giá 35 triệu USD, tăng 50,9% về lượng và tăng 53,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong 2 tháng đầu năm 2024, giá chè xuất khẩu bình quân ước đạt 1.699 USD/tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu chè sang các thị trường chính đều tăng đáng kể đầu năm nay. Trong tháng, xuất khẩu chè tới thị trường Pakistan, đạt 4,6 nghìn tấn, trị giá 9,2 triệu USD, tăng 33% về lượng và tăng 53% về trị giá so với tháng 1/2023.
Tiếp theo là xuất khẩu chè tới thị trường Đài Loan đạt 928 tấn, trị giá 1,4 triệu USD, tăng 86% về lượng và tăng 87% về trị giá; Hoa Kỳ đạt 913 tấn, trị giá 1,2 triệu USD, tăng 191% về lượng và tăng 145% về trị giá; Trung Quốc đạt 701 tấn, trị giá 1 triệu USD, tăng 412% về lượng và tăng 145% về trị giá…
Giá bình quân chè xuất khẩu sang các thị trường chính tăng giảm không đồng nhất, trong khi giá bình quân chè xuất khẩu sang các thị trường Pakistan, Ả rập Xê út, Hoa Kỳ, Đài Loan tăng, thì giá chè xuất khẩu bình quân sang các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Indonesia,.. giảm mạnh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có khoảng 120 nghìn ha đất trồng chè. Cả nước có 257 doanh nghiệp chế biến chè công nghiệp với tổng công suất thiết kế là 5,2 nghìn tấn búp tươi mỗi ngày, sử dụng khoảng 220 nghìn lao động để sản xuất gần 200 nghìn tấn sản phẩm mỗi năm. Việc triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước; rà soát, sắp xếp phân vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến; thúc đẩy liên kết sản xuất và áp dụng kỹ thuật, khoa học - công nghệ vào sản xuất được chú trọng. Ngoài ra, việc tuyên truyền và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè cũng được đẩy mạnh. Trong hoạt động chế biến, một số doanh nghiệp đã đầu tư vào dây chuyền công nghệ hiện đại và sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, do đó giá trị của sản phẩm từng bước được nâng cao.