Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế từ đầu năm đến nay, khi duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng. Mặt hàng gạo đã góp phần quan trọng vào sự khởi sắc này.
Báo cáo của Bộ cho biết, tháng 6 đầu năm 2024, cả nước thu hoạch 3,48 triệu ha lúa, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái; năng suất bình quân 67,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng trên diện tích đã thu hoạch đạt 23,3 triệu tấn, tăng 1,6%. Năm nay, dự kiến nước ta sẽ xuất khẩu từ 7,5 đến 8 triệu tấn gạo. Hiện nay, hoạt động xuất khẩu gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước - đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 4,68 triệu tấn gạo các loại, thu về 2,98 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2023, lượng xuất khẩu chỉ tăng 10,4%, nhưng giá trị tăng 32% nhờ giá xuất khẩu gạo ở mức cao (theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 26/6, giá gạo 5% tấm là 657 USD/tấn, gạo 25% tấm là 543 USD/tấn).
Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động và nhu cầu lương thực tăng mạnh, Việt Nam đã khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế ngành hàng lúa gạo. Xuất khẩu gạo không chỉ tăng về sản lượng mà giá trị cũng đạt mức cao.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định xuất khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh do nhu cầu lương thực toàn cầu tăng cao sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo thường. Các thị trường chính như Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana... đều tăng mua gạo Việt Nam, đặc biệt là Philippines.
Theo VFA, xuất khẩu gạo của Việt Nam từ giờ đến cuối năm 2024 dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, với doanh thu ước tính khoảng 5,3 tỷ USD. Bên cạnh sự gia tăng về sản lượng và giá trị xuất khẩu, nhu cầu lương thực toàn cầu cao và lợi thế về giá cả cũng mang lại cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế. Những kết quả này không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn khẳng định chất lượng và uy tín của gạo Việt Nam trên thế giới.