Cụ thể, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tính chung quý I/2022, xuất khẩu điều ước đạt 105.000 tấn, trị giá 630 triệu USD, giảm 7% về lượng và giảm 5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá điều xuất khẩu bình quân trong tháng 3 và quý I lần lượt ở mức 6.024 USD/tấn và 5.974 USD/tấn, ổn định so với cùng kỳ năm 2021.
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng xuất khẩu điều trong quý I chưa nổi bật bởi theo yếu tố chu kỳ, quý I là thời gian châu Âu thường nhập khẩu hạt điều ở mức thấp.
Trước tình hình căng thẳng giữa Nga - Ukraine đang khiến nhu cầu nhập hàng từ các đối tác ở châu Âu có thể bị ảnh hưởng trong khi đây là thị trường tiêu thụ 35% sản lượng xuất khẩu điều của Việt Nam, mới đây Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) xin hạ mục tiêu xuất khẩu mặt hàng này.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) “xin” giảm chỉ tiêu xuất khẩu điều năm nay từ 3,8 tỷ USD xuống còn 3,2 tỷ USD.
“Chúng tôi không thể đoán trước được những rủi ro trong tương lai nên việc điều chỉnh trong bối cảnh này là cần thiết để phù hợp với thực tế. Nếu đến giữa năm 2022, tình hình thế giới ổn định, Vinacas sẽ có đánh giá lại”, ông Công nói.
Không chỉ đầu ra tiêu thụ gặp khó, trong những ngày gần đây giá điều trong nước đang giảm mạnh, khiến người trồng đứng ngồi không yên. Bên cạnh đó, giá điều giảm mạnh do thời tiết liên tục mưa, dẫn tới một số doanh nghiệp không đủ sân để phơi. Ngoài ra, việc giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… tăng cao cũng gây ảnh hưởng không nhỏ.
Nhận định về tình hình phát triển kinh tế trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc. Bởi, sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam được thực thi một cách đầy đủ với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản.
Nhờ các gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và Chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp.
Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới. Cùng với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương biên giới phía Bắc tiếp tục giao thiệp, trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc để bàn bạc các giải pháp nhằm tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan thông suốt ổn định lâu dài.
Hoài Anh(t/h)