Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong tháng 5/2023, ngành nông nghiệp phát triển ổn định; Chăn nuôi phát triển khá, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm được kiểm soát chặt chẽ. Sản xuất lâm nghiệp ổn định, các địa phương tiếp tục trồng rừng mới tập trung theo kế hoạch. Hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt kết quả tích cực do áp dụng mô hình nuôi tôm chất lượng cao hiệu quả.
Đối với ngành thủy sản, Tổng cục Thống kê cho biết sản lượng thủy sản tháng 5/2023 ước đạt 783,3 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 566,4 nghìn tấn (tăng 2,2%); tôm đạt 100,3 nghìn tấn (tăng 2%); thủy sản khác đạt 116,6 nghìn tấn (tăng 1,7%).
Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng 5/2023 ước đạt 421 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 284,5 nghìn tấn, tăng 2,3%; tôm ước đạt 87,6 nghìn tấn, tăng 2,2%.
Sản lượng thu hoạch cá tra trong tháng 5/2023 tăng so với cùng kỳ năm trước do phần lớn diện tích nuôi cá tra hiện nay thuộc các vùng nuôi của doanh nghiệp có chu trình sản xuất khép kín nên vẫn giữ được mức lợi nhuận mặc dù giá cá tra nguyên liệu trong tháng giảm so với tháng trước. Sản lượng cá tra trong tháng ước đạt 145,6 nghìn tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng tôm trong tháng 5/2023 tăng so với cùng kỳ năm trước do áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và bán thâm canh hiệu quả. Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 58,8 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú ước đạt 22,6 nghìn tấn, tăng 1,8%.
Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 5/2023 ước đạt 362,3 nghìn tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước do thời tiết ngư trường thuận lợi cùng với giá xăng, dầu đang ổn định so với năm trước nên hoạt động khai thác có nhiều chuyển biến tích cực.
Sản lượng thủy sản khai thác bao gồm: Cá đạt 281,9 nghìn tấn, tăng 2,2%; tôm đạt 12,7 nghìn tấn, tăng 0,8%, thủy sản khác đạt 67,7 nghìn tấn, tăng 0,1%. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 346,9 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trướcCùng với thủy sản, ngành chăn nuôi đang có triển vọng “sáng sủa” trở lại, sau những tháng giá lợn hơi giảm xuống dưới ngưỡng 50.000 đồng/kg, thì trong tháng 5/2023 giá lợn hơi xuất chuồng đã tăng nhanh trở lại, với mức tăng 10.000-13.000 đồng/kg so với tháng 4/2023. Với mức giá bán hiện nay đã đảm bảo cho nông hộ chăn nuôi có lãi từ 5.000-8.000 đồng/kg, tương với mức lợi nhuận 500.000-800.000 trên mỗi đầu lợn chăn nuôi.
Theo hệ thống theo dõi giá nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 29/5/2023, giá lơn hơi tại miền Bắc trong khoảng 58.000 - 60.000 đồng/kg, trong đó tại Hưng Yên, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Hà Nội thương lái đang được thu mua với giá cao nhất khu vực là 60.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi từ 55.000 đồng/kg đến 59.000 đồng/kg. Tại miền Nam giá heo hơi ngày 29/5 dao động trong khoảng 56.000 - 61.000 đồng/kg.
Nhờ giá bán tăng, dịch bệnh kiểm soát tốt, người chăn nuôi chủ động được nguồn giống đã giúp chăn nuôi lợn và gia cầm hồi phục. Hiện nông dân chăn nuôi đang rục rịch tái đàn mạnh mẽ. Vì vậy, Chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành cần triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức hiệu quả việc tiêm vaccine; giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, mua bán trâu, bò trái phép, không rõ nguồn gốc.
Theo Tổng cục Thống kê, vụ lúa đông xuân năm 2023 cả nước gieo cấy được 2.952,1 nghìn ha, bằng 98,7% vụ đông xuân năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.067,3 nghìn ha, bằng 99%; các địa phương phía Nam đạt 1.884,8 nghìn ha, bằng 98,5%. Năng suất gieo trồng ước đạt 68,3 tạ/ha, tăng 1,5 tạ/ha; sản lượng thu hoạch ước đạt 20,2 triệu tấn, tăng 184,6 nghìn tấn.
Diện tích lúa Đông Xuân năm nay giảm 40,2 nghìn ha so với vụ Đông Xuân năm trước, chủ yếu do chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp phục vụ quá trình đô thị hóa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ở miền Bắc, tiến độ thu hoạch vụ lúa Đông Xuân dự kiến chậm hơn so với cùng kỳ năm trước do thời tiết lạnh kéo dài.
Ở phía Nam, tính đến trung tuần tháng 5/2023 cơ bản đã thu hoạch xong lúa đông xuân. Cùng với thu hoạch lúa đông xuân, đến trung tuần tháng 5/2023, các địa phương phía Nam đã gieo trồng được 1.126,7 nghìn ha lúa hè thu, bằng 97,9% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.035,6 nghìn ha, bằng 97,4%. Tiến độ gieo trồng lúa hè thu năm nay chậm hơn so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do thời tiết nắng nóng và mưa đến muộn.
Hiện tại nhiều địa phương ở miền Bắc, đang vào vụ và chuẩn bị vào vụ thu hoạch nhiều loại trái cây: mận, xoài, vãi, nhãn, na…
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích cây ăn quả của nước ta hiện khoảng 1 triệu ha, tổng sản lượng thu hoạch khoảng 12 triệu tấn trong năm nay. Từ nay đến cuối năm, sẽ còn khoảng 7,2 triệu tấn trái cây dồn dập thu hoạch và cần tiêu thụ.
Để tránh rơi vào tình trạng thu hoạch ồ ạt mới đi tìm thị trường, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lên kế hoạch phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương để thúc đẩy tiêu thụ trái cây đạt hiệu quả tốt nhất trong thời gian tới.
Đối với ngành lâm nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 5/2023 ước đạt 28,2 nghìn ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 6,7 triệu cây, tăng 0,3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.956 nghìn m3, tăng 2,8%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 97,9 nghìn ha, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 41,7 triệu cây, tăng 5,3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 6.583,2 nghìn m3, tăng 3,3%.
Thời gian qua, đã có một số vụ cháy rừng xảy ra tại một số địa phương như: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Quảng Trị, Quảng Nam, Lâm Đồng,..., gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trên địa bàn.Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng 5/2023 là 332,8 ha, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 88,3 ha, giảm 14,2%; diện tích rừng bị cháy là 244,5 ha, gấp 10,9 lần.
Thủ tướng Chính phủ ra Công điện Số: 441/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. Theo đó, hiện nay nắng nóng gay gắt đang diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37°C đến 39°C, có nơi trên 40°C, khiến nguy cơ cháy rừng rất cao tại nhiều địa phương.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Đồng thời, phải tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô và các ngày nắng nóng; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo chính quyền các địa phương phải tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án Nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 177/QĐ-TTg ngày 10/2/2022.
Bảo An