Công an tỉnh Bình Dương vừa phát đi cảnh báo về tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các hình thức chụp lại ảnh giấy căn cước công dân gắn chíp. Theo đó, qua công tác đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Dương phát hiện, gần đây nổi lên một số thủ đoạn lợi dụng mạng viễn thông, internet, mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong số này, có những “chiêu lừa” mới như xin chụp ảnh chứng minh nhân dân, căn cước công dân (CCCD) và trả tiền cho người được chụp nhằm mục đích khai thác thông tin để lừa đảo.
Theo cơ quan công an, mã QR và chip trên thẻ CCCD chứa rất nhiều thông tin cá nhân của công dân mà tội phạm công nghệ cao có thể triệt để lợi dụng, chỉ cần dựa vào mã QR hoặc thông tin trên CCCD có thể biết rõ thông tin cá nhân của công dân. Từ đó, tội phạm dùng hình ảnh CMND, CCCD của công dân để đăng ký tài khoản ngân hàng, vay tiền trên app, đăng ký số điện thoại trả sau, đăng ký mã số thuế ảo,…
Để phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm trên, Công an tỉnh Bình Dương khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản; không nên chia sẻ hình ảnh chứng minh nhân dân, căn cước công dân trên mạng xã hội; không cung cấp thông tin cá nhân và không cho đối tượng lạ chụp hình căn cước công dân mà không rõ mục đích. Khi phát hiện tình trạng sử dụng thông tin ở căn cước công dân để lừa đảo như kể trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ngoài ra, Công an tỉnh Bình Dương cũng cảnh báo các hình thức lừa đảo qua không gian mạng như: Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh của bị hại, các đối tượng giả mạo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Lừa đảo thông qua các sàn giao dịch trên mạng; Sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh của lãnh đạo các cơ quan chính quyền, đoàn thể... để thiết lập tài khoản mạng xã hội (zalo, facebook...) mạo danh.
Sau đó, các đối tượng tạo tài khoản mạo danh để kết bạn, nhắn tin trao đổi vay, mượn tiền của bạn bè, người thân, đồng nghiệp, cấp dưới... và chiếm đoạt tiền của các bị hại chuyển đến; Thủ đoạn cho vay tiền qua app (vay tiền online); Lợi dụng tình hình dịch Covid-19, các đối tượng tạo tài khoản mạng xã hội để đăng bán các dụng cụ, thiết bị y tế chống dịch... Khi bị hại kết nối và đặt cọc hoặc thanh toán số tiền theo thỏa thuận, các đối tượng chặn liên hệ, đổi số điện thoại... và chiếm đoạt tiền.
Để phòng ngừa, ngăn chặn những thủ đoạn lừa đảo mới, người dân cũng nên lưu ý khi sử dụng mạng xã hội hãy cảnh giác, đặt mật khẩu khó đoán cho tài khoản của mình. Khi có người nhắn tin mượn tiền cần xác nhận lại thông tin người mượn trực tiếp qua điện thoại, khi thấy người mượn tiền đề nghị chuyển tiền qua tài khoản khác cần xác nhận lại thông tin đối với người mượn. Nếu tài khoản mạng xã hội bị chiếm quyền điều khiển cần thông báo cho bạn bè trong danh sách để phòng tránh.
Cài đặt chế độ xác thực 2 bước qua số điện thoại đối với tài khoản. Mỗi người dân nâng cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi từ người lạ, cuộc gọi không rõ danh tính, số điện thoại hiển thị trên màn hình hoặc các các cuộc gọi có đầu số +375,+371, +563, +381,+255...
Nếu có người tự xưng là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Bưu điện... gọi đến thông báo yêu cầu cần điều tra thấy nghi ngờ thì đề nghị họ cho biết tên, địa chỉ nơi làm việc để đến trực tiếp trao đổi, ghi nhận lại nội dung và báo ngay cho cơ quan Công an.
Không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng cho người khác qua điện thoại, mạng xã hội, đặt biệt là mã OTP cho bất kỳ ai. Thường xuyên tìm hiểu, cập nhật thông tin về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo, nhất là lừa đảo qua mạng trên các trang thông tin chính thống và các bảng tin tuyên truyền tại khu, tổ ấp nơi cư trú để biết, phòng ngừa.
Bảo An (t.h)