Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để hiện đại hóa ngành nông nghiệp

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, hướng đến mục tiêu “nông dân sản xuất nông sản chất lượng, chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất”.

Đại dịch COVID-19 là khủng hoảng chung của toàn cầu nhưng cũng mang lại những bài học và cơ hội chuyển đổi số. Trong đó ,chuyển đổi số chính là cơ hội để ngành Nông nghiệp phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch.

Thực tế, nông sản Việt Nam đã có mặt tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Đây là lượng số liệu, dữ liệu lớn, đòi hỏi phải số hóa để tạo nền tảng vững chắc tham gia thị trường thế giới. Theo Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nhiệm vụ chuyển đổi số ngành nông nghiệp được xây dựng trên 3 trụ cột gồm: bộ số, kinh tế nông nghiệp số và nông thôn số, nông dân số.  

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để hiện đại hóa ngành nông nghiệp - Ảnh 1

Thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu được áp dụng trong các lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp đã mang lại những kết quả khả quan, góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, kết nối với người tiêu dùng... Tuy nhiên, quy mô ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương. 

Trong trồng trọt, công nghệ IoT, Big data ứng dụng thông qua phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực hiện.

Trong lâm nghiệp, công nghệ DND mã mạch được áp dụng trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản, công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng. Công nghệ AI đã được sử dụng trong nuôi tôm nhằm phân tích các dữ liệu về chất lượng nước; quản lý thức ăn và sức khỏe của tôm nuôi...

Trong chăn nuôi, công nghệ IoT, Blockchain, công nghệ sinh học được áp dụng rộng ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Ngành chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ số nhiều nhất.

Trong trồng trọt, cụ thể là sản xuất chè, nhiều tỉnh đã bắt đầu ứng dụng có hiệu quả chuyển đổi số. Tiêu biểu như tỉnh Thái Nguyên đã ứng dụng công nghệ vào quá trình trồng, chăm sóc, chế biến chè sử dụng ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh QR-Code để tăng cường minh bạch trong truy xuất nguồn gốc. Tỉnh đã cung cấp trên 1,7 triệu tem truy xuất nguồn gốc, trong đó có trên 500 nghìn tem truy xuất nguồn gốc nông sản của các cơ sở sản xuất kinh doanh; gần 80% HTX, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh đã đầu tư công nghệ đóng gói tự động, sử dụng tem điện tử để truy xuất minh bạch nguồn gốc sản phẩm. Nhờ sự trợ giúp của công nghệ số, những doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm chè bởi dịch Covid-19 đã cơ bản giải quyết được đầu ra cho nông sản.  

Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm, nhiều địa phương đã chủ động quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, giảm bớt gánh nặng cho người nông dân.Với việc giới thiệu sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đã giúp tiêu thụ được một lượng không nhỏ nông sản, giảm bớt khó khăn cho nông dân.

Có thể thấy, chuyển đổi số trong NN&PTNT là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu người nông dân sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất. Song, chuyển đổi số trong NN&PTNT cần một tầm nhìn xa, lựa chọn được cách tiếp cận đúng, có bước đi phù hợp và được hỗ trợ thỏa đáng từ chính sách của Nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp số. Như Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã nhận định: "Chuyển đổi số không phải là cải tiến, mà là sự sáng tạo, xóa bỏ cách làm cũ. Mỗi bước di chuyển cần thận trọng với điểm xuất phát thấp, nguồn lực hạn chế. Chuyển đổi số nông nghiệp không được phép sai lầm. Làm ngay, nhưng phải từng bước chắc chắn và làm không ngừng. Tất cả mọi khâu, mọi công việc cần phải được số hóa đồng loạt. Mỗi chủ thể phải biết cần làm gì trước, công nghệ nào ứng dụng trước, tránh tham lam để rồi quá tải và lạc hướng."

Năm 2022, Bộ NN&PTNT sẽ ban hành Đề án chuyển đổi số ngành NN&PTNT giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây sẽ là cơ sở để toàn ngành triển khai chuyển đổi số, tạo động lực mới, đột phá, nâng cao hiệu quả sản xuất; thu hút sự tham gia của mọi thành phần trong chuỗi sản xuất từ người nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã vào quá trình chuyển đổi số. 

Bảo Anh