Công ty CP Phong Hải Lào Cai: Tạo mối liên kết mới với nông dân

Để tạo ra chuỗi sản xuất phát triển ổn định, bền vững, Công ty cổ phần Phong Hải Lào Cai (Phong Hải) đang từng bước thắt chặt mối liên kết với nông dân trồng chè, bởi trong chuỗi cung ứng nông dân là mắt xích vô cùng quan trọng.

Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Phong Hải Lào Cai và cán bộ nhân viên  
Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Phong Hải Lào Cai và cán bộ nhân viên  

Phong Hải Lào Cai – Công ty sản xuất chè chất lượng

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Lào Cai có 7 huyện, thành phố sản xuất chè hàng hóa thì đã có tới 6 huyện hình thành và phát triển mạnh vùng sản xuất, chế biến chất lượng cao như: Mường Khương, Sa Pa, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Bắc Hà. Trong đó, Phong Hải thuộc vùng chè chất lượng cao của huyện Bảo Thắng, cũng là một trong những đồi trà đẹp nhất vùng trà phía Bắc.

Phong Hải được đánh giá là một trong những công ty sản xuất chè lớn và chất lượng nhất ở tỉnh Lào Cai. Việc áp dụng quy trình công nghệ chế biến trà xanh truyền thống Trung Quốc kết hợp công nghệ diệt men Nhật Bản đã giúp công ty sản xuất ra các loại trà ngon với chất lượng tốt nhất, đáp ứng cao nhu cầu xuất khẩu và nội tiêu. Ở mỗi khâu thể hiện sự tỉ mỉ góp phần làm nên sản phẩm Phong Hải danh trà hoàn hảo. Ứng với phương châm “Uy tín và chất lượng” mà công ty mong muốn mang đến cho người dùng.

Các sản phẩm trà của Phong Hải được trồng theo tiêu chuẩn trà sạch, chăm bón bằng phân hữu cơ, được áp dụng công nghệ chế biến đặc biệt làm nên loại trà thơm ngon, hảo hạng với màu nước sáng vàng óng ánh. Quá trình sản xuất, công ty đặc biệt chú trọng khâu chế biến, nó chiếm 70% chất lượng của sản phẩm. Đây là quá trình can thiệp trực tiếp của con người tới sản phẩm, làm nên sản phẩm trà hảo hạng được mọi người tin dùng.

Quy trình làm nên lá trà thơm ngon của thương hiệu Phong Hải cần trải qua 8 bước cơ bản: chọn nguyên liệu, bảo quản chè búp tươi, diệt men, vò và sàng tơi, sấy chè, san ẩm, phân loại trà, tạo hình và sao lăn. Ở mỗi công đoạn lại mang một yêu cầu chất lượng riêng. Nhưng tất cả hợp thành một thể thống nhất làm nên quy trình sản xuất đạt chuẩn.

Tạo mối liên kết chặt chẽ với nông dân

Tạo mối liên kết với nông dân là tiền đề cho sự phát triển lâu dài  
Tạo mối liên kết với nông dân là tiền đề cho sự phát triển lâu dài  

Mối liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nhà nông đã được đặt ra từ lâu nhằm tạo ra một nền sản xuất phát triển ổn định, bền vững và là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Nhưng thực tế cho thấy sự liên kết này vẫn khá lỏng lẻo, bởi giữa doanh nghiệp và người nông dân chưa thực sự có kết nối chặt chẽ và thấu hiểu nhau.

Theo ông Nguyễn Minh Đức – Giám đốc công ty cổ phần Phong Hải Lào Cai: Việc liên kết được thể hiện qua hợp đồng liên doanh liên kết, bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp với người dân hoặc tổ hợp tác. Tuy nhiên việc ký hợp đồng này gặp không ít vướng mắc.

“Vì mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trồng chè không có sự ràng buộc, thiếu sự gắn kết nên dẫn đến nhà máy thiếu nguyên liệu, công nhân làm việc theo thời vụ, tình trạng tranh mua nguyên liệu diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó giá nguyên liệu không ổn định, lên xuống thất thường ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như kế hoạch tài chính của công ty. Các hộ nông dân trồng chè thì luôn phải lo lắng với hiện trạng được mùa rớt giá, doanh nghiệp chế biến thì nguồn nguyên liệu không ổn định cả về chất lượng và giá cả”, Ông Đức khẳng định.

Hiểu rõ nông dân chính là mắt xích quan trọng trong quá trình cung ứng, ban lãnh đạo công ty trăn trở luôn để tạo được mối liên kết chặt chẽ với nông dân. Bởi trong những năm qua, nhiều mối liên kết giữa công ty và nông dân đã được xây dựng nhưng lại đổ vỡ sau một thời gian ngắn. Theo ban lãnh đạo công ty, một trong những trở ngại lớn nhất là người nông dân chưa hiểu rõ về hợp đồng liên doanh.

“Người nông dân vẫn ngại khó khi phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng chè búp tươi. Mặt khác, do chưa có hiểu biết về pháp luật nên với nhiều hộ nông dân, hợp đồng kinh tế không có mấy giá trị; Khi nông dân phá vỡ hợp đồng thì doanh nghiệp thường ngậm ngùi chịu thiệt hại bởi nếu kiện người nông dân thì họ lấy gì để đền bù và thường phải mất rất nhiều thời gian”, ban lãnh đạo công ty chia sẻ.

Công ty CP Phong Hải Lào Cai: Tạo mối liên kết mới với nông dân  - Ảnh 1

Rút ra bài học từ những sai lầm trước đó, công ty cổ phần Phong Hải Lào Cai quyết định tìm ra một phương thức liên kết mới.

“Muốn phát triển bền vững, sản phẩm làm ra phải đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ thực tế này, công ty đang nghiên cứu, tìm mô hình liên kết sản xuất mới, thay vì quan hệ mua - bán với người dân như trước đây”, ông Đức bày tỏ.

Trước hết, công ty hỗ trợ kỹ thuật bằng cách tăng cường đội ngũ cán bộ để bảo đảm tư vấn kỹ thuật và quản lý, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất của hộ nông dân. Hình thành các nhóm tổ hợp tác, mỗi nhóm cử một nhóm trưởng, là người am hiểu kỹ thuật tốt nhất và có kỹ năng tổ chức giỏi, các tổ trưởng có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm túc quy trình sản xuất.

Bên cạnh đó, công ty còn hỗ trợ vật tư: Máy móc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) có uy tín để cung ứng cho hộ nông dân nhằm bảo đảm chất lượng, chủng loại và giá cả hợp lý. Phong Hải có chính sách cung ứng vật tư trả chậm cho người dân. Sự hỗ trợ này không chỉ góp phần giải quyết khó khăn của hộ nông dân mà còn đóng vai trò thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa các bên tham gia. Ban lãnh đạo công ty kỳ vọng mô hình liên kết mới này mang đến hiệu quả cao, tạo tiền đề phát triển lâu dài cho cả công ty và nông dân.

Hương Trà