Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao
Điện Biên là một trong những địa phương có nhiều nông sản đặc trưng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, như: Gạo tám thơm Điện Biên, cà phê Arabica Mường Ảng - Điện Biên, chè shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa...
Những năm qua, nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất tập trung được hình thành đã góp phần tăng năng suất, sản lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập của người nông dân.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, trong những năm qua, Điện Biên tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp tích cực để khai thác đúng tiềm năng, thế mạnh nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, toàn diện.
Công tác nghiên cứu, thử nghiệm và chuyển giao, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua được quan tâm. Hàng năm có nhiều mô hình sản xuất thử nghiệm thành công và nhân rộng. Nhờ đó người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp rút ngắn thời gian sản xuất, giảm chi phí đầu tư nhưng năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Số liệu từ ngành nông nghiệp được biết, hiện nay toàn tỉnh Điện Biên trồng khoảng 600ha chè, sản lượng khoảng 70 tấn chè búp/năm, chủ yếu là giống chè shan tuyết. Trong đó khoảng 70ha chè shan tuyết cổ thụ có từ rất lâu năm vẫn đang cho thu hoạch với tổng sản lượng khoảng 24 tấn chè búp/năm đã được CERES chứng nhận là vùng chè nguyên liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ năm 2019.
Sản phẩm chè đã được chứng nhận theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. Hiện có 02 chuỗi sản phẩm chè shan tuyết cổ thụ cho 2 doanh nghiệp (chuỗi cung ứng sản phẩm chè shan tuyết của Công ty Trà Phan Nhất liên kết với các hộ dân thu hái chè tại Tủa Chùa và chuỗi cung ứng sản phẩm chè shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa của Công ty TNHH Hương Linh tỉnh Điện Biên liên kết với các các hộ dân thu hái chè tại Tủa Chùa); được công bố tiêu chuẩn đảm bảo, có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt năm 2019 có 70ha chè cây cao cổ thụ của Công ty TNHH Hương Linh tỉnh Điện Biên được chứng nhận là vùng chè nguyên liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Tại Tủa Chùa, chè Shan Tuyết được xây dựng là một sản phẩm an toàn theo chuỗi đến tay người tiêu dùng. Để hái chè những người phụ nữ dân tộc Mông phải chèo lên ngọn cây hái bằng tay, thay vì hái bằng máy như các tỉnh đồng bằng. Chè được hái vào lúc sáng hoặc giữa chiều để đảm bảo có được độ ẩm phù hợp. Được biết một ngày, một người có thể hái được từ 3-4 gùi chè đầy và những búp chè tươi hái về chế biến thành nhiều loại sản phẩm như bột trà xanh, chè sấy khô nguyên búp… Những cây chè ở đây gần như là phát triển tự nhiên không tác động bởi phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật.
Một số sản phẩm chè đã được chế biến sâu tạo ra các sản phẩm chè đặc sản có giá trị kinh tế cao, như: Hồng trà, Bạch trà, Trà đinh… và cho đến thời điểm hiện tại có 04 sản phẩm chè đạt chứng nhận OCOP 3 sao (gồm Trà xanh của Công ty Trà Phan Nhất; Bạch trà mẫu đơn shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa, Trà xanh shan tuyết cổ thụ Tủa chùa và Trà xanh shan tuyết Sính Phình của Công ty TNHH Hương Linh tỉnh Điện Biên).
Hiện nay, sản phẩm chè cơ bản đã bắt đầu có thương hiệu với mẫu mã bao bì đẹp, tiện lợi, chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm và được tiêu thụ rộng tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên để sản phẩm phát triển bền vững cần được các cấp, các ngành quan tâm để đưa chè Tủa Chùa vươn xa cũng là một trong biện pháp góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc H’Mông ở Tủa Chùa.
Chuỗi cung ứng và sản xuất khép kín
Hiện nay, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên đạt tiêu chuẩn OCOP khoảng 35 sản phẩm, đây là con số rất nhỏ và khiêm tốn so với lợi thế của địa phương này. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh xảy ra trên diện rộng thì việc duy trì hoạt động nhà máy, các phân xưởng, khu chế biến, đưa sản phẩm ra được thị trường là cả một câu chuyện dài.
Doanh nghiệp hoạt động ở bất cứ trong lĩnh vực nào, hiện nay đang rất cần sự chung tay, góp sức, hỗ trợ từ những chính sách thiết thực của Nhà nước và địa phương sở tại. Những cơ chế, chính sách, hỗ trợ ấy sẽ tạo đà cho cho các doanh nghiệp hoạt động, sản xuất kinh doanh trong thời đại dịch Covid -19 hoành hành.
Chia sẻ với báo chí, ông Lò Văn Pâng, Chủ niệm HTX Hồng Phước, xã Nà Tấu, huyện Điện Biên, (hiện đang tiêu bao toàn bộ củ dong riềng cho đồng bào các dân tộc 8 xã vùng cao của tỉnh Điện Biên), cho biết: Từ khi dịch Covid -19 xảy ra vào tháng 1/2020 đến nay, lực lượng lao động tại các khu công nghiệp ở miền xuôi dồn về, nhiều người ở bản trở nên thất nghiệp. Nhưng cũng chính vì vậy mà diện tích cây dong riềng 2 năm nay tăng mạnh. Trước đây, diện tích dong riềng ở xã Nà Tấu chỉ vài chục ha, chúng tôi thu mua khoảng nửa tháng là hết. Nhưng từ năm ngoái đến năm nay, diện tích dong riềng ước tính tăng đến cả trăm ha. Nguyên nhân diện tích dong riềng tăng nhanh cũng do một phần ảnh hưởng dịch Covid -19, nhiều người mất cơ hội việc làm ở thành phố lớn nên về trồng dong để tăng thêm thu nhập.
Ông Pâng cho biết thêm: Có những thời điểm, HTX Hồng Phước có đến hơn 100 lao động phổ thông trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến tinh bột miến dong và làm miến thành phẩm. Chưa kể các xã như: Nà Tấu, Mường Phăng, Nà Nhạn (TP. Điện Biên Phủ) người dân trồng chủ yếu cây dong riềng cùng tham gia thu hoạch củ dong. Các huyện Mường Ảng, Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Chà cũng có diện tích dong riềng tương đối lớn.
Hiện nay, giá dong riềng HTX Hồng Phước đang thu mua củ tươi là 2.000đ/kg. Mỗi năm đơn vị này thu mua khoảng 1.500 tấn củ dong tươi, sản xuất khoảng 3.000 – 3.500 tấn bột cung cấp cho thị trường Nà Nội và đơn vị này cũng trực tiếp sản xuất khoảng 50 – 70 tấn miến thành phẩm, đạt chất lượng OCOP 3 sao.
Đây là một trong những cơ sở thu mua và chế biến nông sản có uy tín trên vùng Nà Tấu, Điện Biên. Và cũng là đơn vị thu hút được rất nhiều nhân công lao động phổ thông tham gia vào chuỗi cung ứng và sản xuất khép kín tại Điện Biên.
Tuy nhiên, hiện nay mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất của Điện Biên nói riêng và toàn quốc nói chung đều bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid -19. Song, đối với HTX thu mua, sản xuất và chế biến miến dong như HTX Hồng Phước cũng không ảnh hưởng lớn tới vùng nguyên liệu, mà chủ yếu liên quan đến việc phân phối sản phẩm ra thị trường, chuỗi cung ứng sản phẩm thường xuyên bị đứt đoạn, nhất là sản phẩm miến dong chỉ bán vào dịp cuối năm, chuẩn bị Tết Nguyên đán.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.