Giá cả giảm trong mùa Covid-19, doanh nghiệp chè ở Hà Tĩnh nỗ lực vượt khó

Từ năm 2020 đến nay, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong số đó sản xuất chè - cây trồng chủ lực của nhiều địa phương tỉnh Hà Tĩnh cũng không phải ngoại lệ. Vì thế, để khắc phục khó khăn, các cơ sở sản xuất chè cũng tìm nhiều giải pháp, hướng đi mới với mong muốn trong thời gian tới, giao thương sẽ trở lại bình thường.

Dịch Covid 19 phức tạp, sản xuất và tiêu thụ đều gặp khó

Với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên cả nước nên việc kinh doanh, sản xuất của nhiều địa phương cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Thời điểm này, bà con nông dân của hai xã Sơn Kim 2, Sơn Tây (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đang vào vụ thu hái chè chính trong năm với sản lượng thu hoạch lớn.

Bà Nguyễn Thị Hợi, một hộ dân trồng chè ở Sơn Kim 2 (Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết: Gia đình bà trồng chè nguyên liệu đã hơn chục năm nay, hàng năm thu về được hàng chục tấn chè, nên cuộc sống của gia đình cũng phần nào đó bớt khó khăn.

Theo bà Hợi, trước đây chè hái về được Xí nghiệp chè Tây Sơn thu mua với giá 7000 đồng/1kg, nhưng 2 năm trở lại đây do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chè xuất khẩu cũng chịu ảnh hưởng nên giá cả cũng có thấp hơn để chia sẻ một phần khó khăn với doanh nghiệp. 

Bà Hợi cùng với bà con nơi đây vẫn vui vẻ chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp
Bà Hợi cùng với bà con nơi đây vẫn vui vẻ chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

Còn với hộ gia đình chị Nguyễn Thị Xuân, một hộ dân ở xã Sơn Tây (Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho hay, dù việc xuất khẩu chè cũng gặp một số trục trặc nhưng may rằng người dân chúng tôi vẫn được xí nghiệp thu mua chè đều đặn hàng ngày, dù giá có thấp hơn một chút nhưng may vẫn bán được nên chúng tôi vẫn mừng. Chỉ mong rằng thời tiết không quá khắc nghiệt làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cây chè là chúng tôi vui rồi. Chứ cứ đến mùa nắng bà con chúng tôi lại lo lắng tìm mọi cách để cứu chè. Việc đào giếng, mua máy bơm, đầu tư hệ thống vòi tưới tự động… nhưng nó cũng không thấm vào đâu khi mà nhiệt độ ở “chảo lửa” miền Trung lúc nào cũng trên 39-40 độ.

Chia sẻ về vấn đề này với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Sánh - Giám đốc Xí nghiệp chè Tây Sơn cho rằng, tình hình dịch bệnh xảy ra là điều không ai mong muốn, nó không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành nông nghiệp mà các ngành khác như dịch vụ, công nghiệp,… còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Điều này làm ảnh hưởng chung đến sự phát triển của tỉnh Hà Tĩnh cũng như cả đất nước. Cho nên việc ngành chè bị ảnh hưởng cũng là điều đương nhiên, khi mà chè Hà Tĩnh của chúng ta chủ yếu dựa vào xuất khẩu.

Trong đó, đáng lo ngại nhất là các khoản chi phí phát sinh trong quá trình cất trữ hàng lâu ngày, tiền lãi vay vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh và một ít hàng xuất được thì phải làm thủ tục quá cảnh, quá cảng lâu, thanh toán chậm nên tăng thêm chi phí bến bãi, kho hàng,…

Theo ông Sánh thì để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, bà con nông dân thống nhất bớt mỗi 1kg chè 500 đồng. Chúng tôi cũng cố gắng bà con thu hái được bao nhiêu thì thu mua bấy nhiêu để không làm ảnh hưởng đến người nông dân. 

Chè búp vẫn được các đơn vị thu mua hàng ngày.
Chè búp vẫn được các đơn vị thu mua hàng ngày.

Bên cạnh đó, để việc sản xuất không ảnh hưởng thì trước đây xí nghiệp thuê lao động sản xuất theo thời vụ, nhưng vì tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp nên việc quản lý rất khó buộc đơn vị chỉ sử dụng lao động tại chỗ để giải quyết công tác chế biến, tránh làm lây lan dịch bệnh. Các thiết bị y tế, khẩu trang, nước sát khuẩn … cũng được trang bị đảm bảo 5K trong phòng, chống dịch.

Dù chè xuất khẩu chậm nhưng để chất lượng sản phẩm không ảnh hưởng, công tác chế biến phải bám nắm từng khâu một, dù để lâu chất lượng sản phẩm vẫn như ban đầu. Bao bì được đóng gói cẩn thận, kê gác lên cao tránh bị ẩm mốc. Việc thu mua sản phẩm chè của người dân cũng yêu cầu thực hiện tốt công tác phòng dịch 5K nghiêm ngặt, vì nếu một khi mà dịch bùng phát thì mọi công tác sản xuất đều bị dừng lại.

Cũng cùng quan điểm trên, ông Hoàng Thế Lộc - Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Tây Sơn (Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho rằng, sau khi dịch bệnh xảy ra, chúng tôi cũng đã thống nhất với xí nghiệp chè Tây Sơn thu mua sản phẩm chè tươi với giá 6.500 đồng/kg. Rất may bà con đều đồng tình và ủng hộ cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn này.

Nâng cao chất lượng sản phẩm qua mô hình  VietGap

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, diện tích trồng chè toàn tỉnh Hà Tĩnh đạt trên 2.854 ha, trong đó chè búp có trên 1.136 ha, diện tích trồng mới 128 ha, diện tích cho sản phẩm 873 ha; còn chè hái lá đạt 1.718 ha, trong đó diện tích trồng mới là 70 ha và diện tích cho sản phẩm là 1.588 ha.Năng suất của chè búp đạt 88,42 tạ/ha, sản lượng thu hoạch đạt 7.719 tấn, giá trị thu về 54 tỷ đồng; chè hái lá đạt năng suất 108,36 tạ/ha, sản lượng đạt 17.207 tấn, giá trị thu về đạt khoảng 60 tỷ đồng.

Một số địa phương có diện tích chè lớn như: Hương Sơn 986 ha, huyện Kỳ Anh 583 ha, Hương Khê 448 ha…

Để gỡ khó cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã đồng hành với người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT, chuyển đổi bộ giống chè theo hướng có năng suất, chất lượng, đầu tư thâm canh áp dụng quy trình VietGap. Hiện, diện tích chè theo tiêu chuẩn VietGap đạt 545 ha. 

Cùng với việc hướng dẫn người trồng chè sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm, các địa phương đã mở rộng diện tích liên kết với Công ty CP Chè Hà Tĩnh. Hiện nay, tổng diện tích liên kết đạt 1.246 ha, trong đó ,diện tích đưa vào kinh doanh là 1.185 ha. Trung bình mỗi năm cho sản lượng búp tươi trên 11.600 tấn.

Đặc biệt, sản phẩm chè đen của Hà Tĩnh có thương hiệu trên thị trường, trở thành một trong 12 mặt hàng xuất khẩu của tỉnh với giá trị xuất khẩu đạt 2,5 triệu USD mỗi năm.

Nhờ áp dụng chuỗi giá trị gia tăng, kiểm soát quá trình sản xuất đến khâu chế biến, bảo quản, nên sản phẩm chè Hà Tĩnh đạt chất lượng, đảm bảo an toàn, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng... Đây cũng chính là giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng sản phẩm chè, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong bối cảnh khó khăn do sản xuất, tiêu thụ chè do dịch bệnh Covid-19 gây ra mà các doanh nghiệp chè Hà Tĩnh thực hiện.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.