Việc hỗ trợ các hộ nông dân đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) nhằm thiết lập các điểm tập kết, bố trí các điểm trung chuyển, phân phối hàng hóa thiết yếu (cố định, lưu động) có kiểm soát an toàn dịch bệnh nhằm bảo đảm nguồn cung và phân phối kịp thời cho người dân trên địa bàn.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), việc đẩy mạnh bán hàng trên kênh thương mại điện tử có ý nghĩa quan trọng giúp đẩy nhanh tiêu thụ các mặt hàng nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp. Do vậy, Bộ Công Thương cũng đã đề nghị các sàn thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia; hỗ trợ các địa phương thúc đẩy tiêu thụ lượng nông sản lớn đã, đang và sẽ vào vụ thu hoạch trên các sàn thương mại điện tử uy tín…
Thực tế cho thấy, đưa hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử là một trong những giải pháp kịp thời giúp mở rộng kênh tiêu thụ cho nông sản, nhất là khi các kênh tiêu thụ truyền thống bị thu hẹp do tác động của dịch COVID-19. Tuy nhiên, do tiêu thụ hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử là một phương thức còn khá mới mẻ với người nông dân, đặc biệt là bà con ở các tỉnh miền núi nên cần có sự hỗ trợ nhiều hơn để họ quen với phương thức này.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu đến tháng 12/2021, có 70% hộ sản xuất nông nghiệp của địa phương được đào tạo, tập huấn kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; 50% hộ có tài khoản bán hàng/gian hàng trên sàn thương mại điện tử, có tài khoản thanh toán điện tử và có sản phẩm được quảng bá, giới thiệu trên sàn thương mại điện tử.
Đến tháng 12/2022, có 100% hộ sản xuất tham gia hoạt động trên môi trường số; có tài khoản bán hàng/gian hàng trên sàn thương mại điện tử...
Cùng với đó, địa phương này cũng phấn đấu đến tháng 12/2021, có 50% và đến tháng 12/2022 có 70% nông sản của địa phương trong mùa cao điểm thu hoạch được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử.
Cục Xúc tiến Thương mại đã và đang phối hợp với các sàn thương mại điện tử đào tạo, tập huấn cho nông dân, chủ trang trại kỹ năng quảng bá sản phẩm, bán hàng livestream; hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện để nông dân hiểu và nắm bắt rõ hơn về xu hướng và yêu cầu thị trường, từ đó tổ chức sản xuất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng vừa ban hành Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT phê duyệt Kế hoạch Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Với lợi thế tốc độ nhanh, phạm vi tiếp cận rộng, chi phí thấp hơn so với thương mại truyền thống, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trên kênh thương mại điện tử được xác định là giải pháp cứu cánh, trở thành xu thế kinh doanh tất yếu cho tiêu thụ, xuất khẩu nông sản và các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. Xu hướng này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Tăng cường kết nối tiêu thụ hàng nông sản tại các sàn thương mại điện tử không chỉ mở ra cơ hội lớn để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, mà còn là cơ hội lớn để nông dân Việt thích ứng và bắt nhịp với xu hướng thương mại hiện đại trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào toàn bộ quy trình sản xuất.
Nhân Lê