Hòa Bình: Huyện Lạc Sơn nỗ lực trên con đường xây dựng Nông thôn mới

Xây dựng Nông thôn mới (NTM) có điểm đầu không có điểm kết thúc, ngay sau khi về đích NTM, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân UBND huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) đã tiếp tục nỗ lực, chủ động không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới mục tiêu xây dựng xã NTM, trở thành một điểm sáng trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới.

Chung sức xây dựng Nông thôn mới

Ông Bùi Văn Huân - Trưởng phòng NN& PTNT huyện Lạc Sơn, cho biết, xây dựng NTM là chương trình lớn của Đảng, Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH mang tính toàn diện. Chương trình đã và đang trở thành phong trào rộng khắp, tự giác trong Nhân dân. Qua thực hiện đã xuất hiện nhiều mô hình mang lại giá trị kinh tế cao, như: gà đồi ở các xã Hương Nhượng, Quyết Thắng, Vũ Bình; giống lúa chất lượng cao trồng tại các xã Tuân Đạo, Văn Nghĩa, Tân Lập; xây dựng chuỗi liên kết nông sản chủ lực tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, chương trình mang lại bộ mặt nông thôn các xã đổi mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của người dân từng bước được nâng lên.

Đến nay, huyện Lạc Sơn có 10 xã đạt 19 tiêu chí NTM, gồm: Nhân Nghĩa, Xuất Hóa, Tân Mỹ, Ân Nghĩa, Hương Nhượng, Yên Nghiệp, Thượng Cốc, Yên Phú, Tân Lập, Vũ Bình. Trên địa bàn có 8 khu dân cư NTM kiểu mẫu, 32 vườn hộ kiểu mẫu được công nhận.

Bên cạnh thực hiện các tiêu chí trong Bộ tiêu chí xã NTM, các địa phương trong huyện đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, triển khai mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển ngành nghề nông thôn, du lịch, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững. Sức mạnh tổng hợp của cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững” được phát huy, tạo phong trào thi đua rộng khắp. Tiên phong, nòng cốt trong thực hiện phong trào là các cấp Hội LHPN, Đoàn Thanh niên, nông dân... chung tay thực hiện các phần việc, như: ra quân tu sửa, phát quang đường giao thông nông thôn, xây dựng các tuyến đường hoa, công trình "Thắp sáng đường quê”, vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại và xử lý rác thải. Nhiều hộ tích cực đóng góp ngày công lao động, hiến đất... tham gia xây dựng NTM.

Nhằm giúp các chủ thể tiêu thụ sản phẩm OCOP, UBND huyện Lạc Sơn chỉ đạo xây dựng gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP của huyện.
Nhằm giúp các chủ thể tiêu thụ sản phẩm OCOP, UBND huyện Lạc Sơn chỉ đạo xây dựng gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP của huyện.

Đặc biệt, các xã nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2015; từng bước hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đối với những xã đã đạt chuẩn. Thời gian tới, huyện tiếp tục hoàn thành các công trình thiết yếu về giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế... nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn, tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho người dân.

Điển hình sau khi về đích Nông thôn mới, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn đang không ngừng nỗ lực giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao theo lộ trình đã đề ra. Ông Bùi Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Yên Phú, cho biết, xã Yên Phú xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp. Kinh tế của người dân của yếu là nông nghiệp, thu nhập của người dân còn thấp. Cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Trong những năm qua được sự quan tâm của các cấp, xã Yên Phú đã và đang được đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất; hạ tầng giao thông nông thôn thuận tiện; cơ sở vật chất trường học, chợ, khu trung tâm thể thao và nhà văn hóa xã được hoàn thiện; hệ thống điện lưới được đảm bảo; môi trường cảnh quan được bảo vệ, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Bên cạnh đó là sự quyết tâm cao, sự đoàn kết đồng lòng của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân trong xã quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mục tiêu, xây dựng NTM.

Nhân dân xã Tân Mỹ thi đua thực hiện
Nhân dân xã Tân Mỹ thi đua thực hiện "Nhà sạch, vườn đẹp, môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh".

Sau nhiều nỗ lực của chính quyền và người dân, năm 2021, xã Yên Phú đạt chuẩn NTM theo Quyết định công nhận số 3502/QĐ-UBND, ngày 21/12/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình và vào tháng 10 năm 2022, xã Yên Phú vinh dự đón bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM. Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo Yên Phú đang đổi thay từng ngày. Đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Có được thành quả về xây dựng NTM không thể phủ nhận vai trò của người dân - chủ thể trong phong trào xây dựng NTM...

Đường và ngầm Sát Thượng, xã Tự Do (Lạc Sơn) được cứng hóa thuận tiện cho người dân đi lại và các phương tiện lưu thông.
Đường và ngầm Sát Thượng, xã Tự Do (Lạc Sơn) được cứng hóa thuận tiện cho người dân đi lại và các phương tiện lưu thông.

Trên địa bàn xã Văn Nghĩa, huyện Lạc Sơn cũng đang gấp rút hoàn thành các tiêu chí của chương trình theo kế hoạch về đích NTM năm 2023. Hai tiêu chí được xã thúc đẩy nhằm mục tiêu nâng cao đời sống người dân trong những năm qua là tiêu chí hộ nghèo và thu nhập. Ông Dương Thanh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, bên cạnh chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững. Ngoài mô hình trồng cây lấy hạt chất lượng cao, ở các khu dân cư phát triển sản xuất mây tre đan xuất khẩu mang lại thu nhập ổn định cho các hộ. Gần đây, có nhiều lao động trẻ của xã đi xuất khẩu lao động hay tìm kiếm việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Qua đó góp phần gia tăng nguồn thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đến năm 2022, bình quân thu nhập đầu người toàn xã đạt 46 triệu đồng. Kết quả khảo sát 6 tháng đầu năm 2023, hộ nghèo của Văn Nghĩa giảm mạnh, còn 12,2%.

Tích cực trong xây dựng Nông thôn mới

Với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa, huyện Lạc Sơn tích cực tuyên truyền xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; đời sống nông thôn giàu bản sắc văn hóa truyền thống; đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu có 13  đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; Phấn đấu có 04 đơn vị cấp xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Phấn đấu có 01 đơn vị cấp xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; Bình quân các xã trong huyện đạt 15,83 tiêu chí/xã; Phấn đấu chuẩn hóa mỗi xã có ít nhất 01 sản phẩm OCOP 3 sao và toàn huyện một số sản phẩm 4 sao.

Trong đó, phấn đấu tới năm 2025 cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân; nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá. Tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền.

Tập trung phát triển sản xuất được xác định là khâu then chốt trong xây dựng nông thôn mới.
Tập trung phát triển sản xuất được xác định là khâu then chốt trong xây dựng Nông thôn mới.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn. Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn. Nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam…

Hỗ trợ bà con đồng bào dân tộc cây giống...
Hỗ trợ bà con đồng bào dân tộc cây giống...
Huyện Lạc Sơn đã thực hiện lồng ghép. Trong đó, hỗ trợ bà con chăn nuôi giảm nghèo.
Huyện Lạc Sơn đã thực hiện lồng ghép. Trong đó, hỗ trợ bà con chăn nuôi giảm nghèo.

Để đạt được mục tiêu trên, huyện Lạc Sơn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới từ huyện đến cơ sở nhằm nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân. Thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Huyện Lạc Sơn chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 và các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”;  “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; “nhà sạch, vườn đẹp, môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh”; xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu.

Đặc biệt nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Các phòng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể của huyện..., Ủy ban nhân dân các xã đưa vào chương trình công tác hàng năm các nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Nội dung xây dựng nông thôn mới phải trở thành nhiệm vụ chính trị của địa phương và của các cơ quan có liên quan. Tập trung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho cư dân nông thôn; đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Phát triển kinh tế nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tập trung đẩy nhanh thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp ở mỗi địa phương gắn với phát triển ngành nghề, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, định hướng nghề, giải quyết việc làm sau khi đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, truyền thống gắn với các điểm du lịch và sản xuất hàng xuất khẩu (dệt thổ cẩm, mây tre đan, làm đồ mỹ nghệ, đồ gia dụng, rượu cần,…); tiếp tục thực hiện Đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Hòa Bình. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình chuyên đề phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 để góp phần nghiên cứu, giải quyết các vấn đề từ thực tiễn đặt ra trong phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của người dân, phù hợp với điều kiện đặc thù của các địa phương…

PHI LONG/VPTB