Hòa Bình: Người dân Cao Sơn vào vụ thu hoạch dong riềng

Là địa phương có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với trồng cây dong riềng, trong những năm gần đây diện tích trồng cây dong riềng trên địa bàn xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đều đạt và vượt kế hoạch giao. Năm nay, người dân phấn khởi bởi cây dong riềng vừa được mùa lại được giá. Giá dong riềng được tư thương thu mua với giá 17 nghìn đồng/10 kg, cao gần gấp đôi so với vụ năm ngoái.

Thu hoạch dong riềng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân xã Cao Sơn.
Thu hoạch dong riềng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân xã Cao Sơn.

Đến nay, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã có 7 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có Sản phẩm Miến dong Đà Bắc của HTX Đa nghề Yên Lý - Cao Sơn. Trong những năm gần đây, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc đã chủ trương chuyển đổi diện tích từ cây lúa nương, cây ngô năng suất thấp sang sản xuất cây dong riềng. Củ dong riềng sử dụng để chế biến tinh bột và rất thích hợp cho yêu cầu chế biến tinh bột ẩm làm miến dong.

Tổng diện tích cây dong riềng của xã Cao Sơn hiện nay khoảng 300 ha, đây là loại cây phù hợp với điều kiện sinh thái của xã Cao Sơn, được nông dân ưa chuộng. Các xóm sản xuất nhiều dong riềng nhất là: Sèo, Sơn Phú, Nà Chiếu, Tằm. Cây dong riềng hợp vùng đất dốc, có thể sản xuất trên nhiều loại đất và giải quyết tốt vấn đề lương thực. Sản xuất 1 ha dong riềng có giá trị thu nhập cao hơn nhiều lần so với sản xuất ngô, lúa nương.

Để cây dong riềng sinh trưởng và phát triển tốt, xã phối hợp với các ngành chức năng của huyện hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật phòng, chống sâu bệnh và chăm sóc cây sản xuất đến người dân, vận động nhân dân thường xuyên kiểm tra quá trình phát triển. Trung bình sản xuất 1 ha dong riềng đầu tư khoảng từ 15 - 20 triệu đồng. Cây phù hợp với đất núi nên phát triển tốt, cho năng suất cao, không mất nhiều công chăm sóc, sau 10 tháng cho thu hoạch trừ chi phí đầu tư mỗi ha dong riềng bà con cũng thu được 40 - 50 triệu đồng.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn, xóm Sèo trồng dong riềng từ nhiều năm nay, sản lượng bình quân mỗi năm đạt từ 25 - 30 tấn. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, anh Tuấn và gia đình tập trung thu hoạch dong riềng để bán. Anh Tuấn chia sẻ, năm 1985, gia đình anh lên định cư tại Cao Sơn, từ năm 1990 đến nay, hầu như năm nào cũng duy trì trồng dong riềng. Loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng nên năng suất, chất lượng ổn định. "Đây là cây trồng đem lại thu nhập chính cho gia đình, nhưng giá cả bấp bênh. Năm giá cao nhất được 20 nghìn đồng/10kg, nhưng có năm chỉ vài nghìn đồng. Vụ năm ngoái chỉ được 9 - 10 nghìn đồng/10kg, tính ra thì lỗ. Năm nay giá cao gia đình rất phấn khởi. Thời gian thu hoạch từ cuối tháng 11 đến gần Tết Nguyên đán”, anh Tuấn chia sẻ.

Giá dong riềng được tư thương thu mua với giá 17 nghìn đồng/10 kg, cao gần gấp đôi so với vụ năm ngoái.
Giá dong riềng được tư thương thu mua với giá 17 nghìn đồng/10 kg, cao gần gấp đôi so với vụ năm ngoái.

Ngày mùa, tư thương đến tận xã thu mua củ dong riềng về để sản xuất tinh bột làm miến dong. Từ cây dong riềng, nhiều hộ dân trong xã thoát nghèo, mua sắm được trang thiết bị phục vụ sinh hoạt, nhiều người trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Tận dụng nguồn nguyên liệu bột dong riềng có sẵn ngay trên quê hương của mình, các cơ sở sản xuất trên địa bàn xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc đã đầu tư để sản xuất sản phẩm miến dong. Trong đó, tiêu biểu như cơ sở sản xuất HTX Đa nghề Yên Lý - Cao Sơn tại xóm Sèo, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc. 

Ông Ngô Văn Cường - Bí thư Đảng uỷ xã Cao Sơn, cho biết, xã có 2 cây chủ lực là dong riềng và ngô. Trong đó, miến dong Cao Sơn đã xây dựng thành sản phẩm OCOP. Trước đây, có một doanh nghiệp đã được thành lập để thu mua, chế biến dong riềng của bà con tại địa phương, nhưng đã dừng hoạt động vì chưa đảm bảo về môi trường. Do đó, đầu ra của cây trồng này vẫn còn nhiều khó khăn, phụ thuộc vào tư thương. Năm nay, mặc dù dong riềng được giá nhưng ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất giảm so với vụ trước. Để phát triển dong riềng hiệu quả, mong muốn cấp trên quan tâm, hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị, duy trì diện tích trồng và tăng thu nhập cho người dân.

Việc nâng cao giá trị sản phẩm OCOP Miến dong Đà Bắc xã Cao Sơn góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ sản xuất sản phẩm Miến dong. Đồng thời giúp người tiêu dùng được sử dụng một sản phẩm đảm bảo chất lượng, biết rõ nguồn gốc xuất xứ, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân, giúp họ yên tâm với nghề của mình. Nâng cao giá trị cho sản phẩm đặc sản, truyền thống, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần đa dạng hóa sinh kế cho các hộ nông dân sản xuất nhỏ, từ đó góp phần và công cuộc xoá đói giảm nghèo tại địa phương.

PHI LONG/VPTB