Người tiên phong đưa lá chè Bắc vào Tây Nguyên trồng thử
Là một trong những xã thuộc vùng Đông Trường Sơn, hầu hết là đồng bào dân tộc Mơ Nâm và Sê - Đăng, cuộc sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, với những loại cây trồng truyền thống như sắn (mì), ngô, lúa rẫy... năng suất thấp, thu nhập không đáng là bao nên cuộc sống rất khó khăn. Vài năm trở lại đây, chính quyền địa phương đã xây dựng mô hình trồng chè, và hướng dẫn người dân mở rộng diện tích mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cây chè đang dần trở thành cây thoát nghèo ở vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở này.
Nếu ai đã từng đến xã Hiếu, huyện Kon Plong (Kon Tum) mà chưa được tận hưởng hương vị đặc trưng của ly nước chè xanh, thì coi như chưa được tận hưởng “đặc ân” của vùng đất Trường Sơn hùng vĩ này. Đối với người dân xã Hiếu, cây chè hiện nay đã trở thành cây “đặc sản”, đặc biệt, từ khi Hợp tác xã Chè sạch Đông Trường Sơn được thành lập.
Được biết, cơ duyên để cây chè bén duyên với vùng đất này là vào năm 2019, trong một chuyến công tác tại tỉnh Kon Tum, với kinh nghiệm hơn 20 năm sản xuất,chế biến và xuất khẩu chè Việt Nam, ông Nguyễn Công Hội nhận thấy xã Hiếu là vùng đất rất phù hợp để tạo ra một vùng chè hữu cơ có chất lượng, sản phẩm giá trị tương đương với vùng chè Lâm Đồng. Thế là, trong năm đó, ông Hội và cộng sự đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chè (thuộc Viện Khoa học - Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc) đi khảo sát thực tế vùng chè tại tỉnh Kon Tum và quyết định thành lập HTX Chè sạch Đông Trường Sơn để xây dựng thương hiệu chè sạch, giúp người dân tăng thu nhập.
Ông Hội chia sẻ, vùng này có khí hậu lạnh rất thích hợp để trồng chè. Bà con người Xơ Đăng ở đây còn khó khăn vì chưa chọn được cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, mà chỉ dựa vào cây mì, lúa rẫy. Nhận thấy tiềm năng khí hậu thuận lợi, ông Hội mạnh dạn đưa nhiều giống chè ở phía bắc về trồng ở xã Hiếu và vùng lân cận trồng.
Xã Hiếu là vùng đất phù hợp để tạo ra một vùng chè chất lượng, các giống chè đặc sản như chè Shan Tuyết, chè Hương Bắc Sơn, chè Kim Tuyên... những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Sau gần 6 năm triển khai, HTX đã trồng và kiên kết được 66ha diện tích trồng chè trên địa bàn, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè khắp các vùng lân cận, hỗ trợ về cây giống, hướng dẫn cách chăm sóc cây chè, đảm bảo đầu ra cho bà con trồng chè.
Mô hình làm nông nghiệp thành công của ông Nguyễn Công Hội là minh chứng cho việc triển khai và thực hiện hiệu quả Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Ban đầu, ông Hội trồng 5ha cây chè để thử nghiệm. Sau một năm, ông nhận thấy cây chè phát triển tốt, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và sản phẩm cũng mang lại hương vị thơm tự nhiên.
Tiếp đó, ông xin chủ trương đầu tư và liên kết với 9 hộ dân trên địa bàn xã Hiếu và Pờ Ê để mở rộng diện tích và trồng loại chè đặc sản như: PH11, PH8, TRI5.0, LCT1, Kim Tuyên, Shan Tuyết… Ông còn thành lập ra HTX Chè sạch Đông Trường Sơn nhằm liên kết bà con, chung tay xây dựng vùng trồng chè rộng lớn.
Cũng theo ông Hội, thời gian tới HTX sẽ nhân rộng diện tích mỗi năm khoảng 10ha trên diện tích đất của người dân. Bên cạnh đó HTX đang hợp tác hỗ trợ bảo tồn và chăm sóc cây chè, bao tiêu thụ mua nguyên liệu chè búp tươi của người dân.
Ngoài ra HTX đang thỏa thuận đền bù đất kịp thời, để thời gian tới xây dựng nhà máy sản xuất tại chỗ tại địa phương. HTX hiện có 19 thành viên chính thức, từ 30 lao động thường xuyên trở lên. Thời gian tới HTX sẽ kết nạp thêm một số thành viên nữa là người đồng bào tại địa phương.
Được biết, HTX Chè sạch Đông Trường Sơn được thành lập vào tháng 9 năm 2020, vốn điều lệ gần 7 tỷ đồng. Hợp tác xã có 6 thành viên, đang triển khai dự án trồng, sản xuất, chế biến các sản phẩm sạch từ cây chè theo tiêu chuẩn VietGAP và cây dược liệu phục vụ chế biến trà dược liệu với diện tích gần 99ha tại thôn Vi Choong, xã Hiếu, huyện Kon Plông.
Hiện Hợp tác xã đã trồng được 20ha chè với 6 loại chè đặc sản (PH8, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, PH11, San Tuyết và giống lai 1). Trong đó, có 4ha trồng được 1,5 năm tuổi (Diện tích này đã cho thu bói, năng suất ước đạt từ 2-4 tấn/ha tùy loại chè và ước năng suất sẽ tăng gấp đôi khi được 3 năm tuổi) và 16ha mới trồng được 6 tháng tuổi. Tạo việc làm cho khoảng 30 lao động/ngày.
Vang danh chè sạch Đông Trường Sơn với sản phẩm "Trà sạch Măng Đen"
Quá trình sản xuất trà sạch Măng Đen bắt đầu từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch. HTX đã áp dụng các kỹ thuật canh tác hữu cơ nghiêm ngặt, đảm bảo các giống chè được chọn lọc kỹ càng để kháng bệnh và thích nghi tốt với điều kiện khí hậu địa phương. Trong quá trình chăm sóc, HTX sử dụng phân bón hữu cơ và các biện pháp sinh học để kiểm soát sâu bệnh, hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Điều này không chỉ đảm bảo chất lượng chè mà còn bảo vệ sức khỏe người nông dân và môi trường xung quanh.
Bà Nguyễn Thị Hằng - Quản lý Sản xuất và Trồng trọt Hợp tác xã Chè sạch Đông Trường Sơn chia sẻ: Khi đến giai đoạn thu hoạch, quy trình này được thực hiện thủ công để đảm bảo chọn lọc những búp chè tươi ngon nhất. Sau khi thu hoạch, chè được chế biến bằng các phương pháp truyền thống kết hợp với công nghệ hiện đại, nhằm giữ nguyên hương vị và dưỡng chất tự nhiên của chè. Trong suốt quá trình chế biến, không có bất kỳ hóa chất bảo quản nào được sử dụng, đảm bảo sản phẩm cuối cùng hoàn toàn tự nhiên và an toàn cho người tiêu dùng.
Giám đốc Hợp tác xã Chè sạch Đông Trường Sơn cho biết thêm: HTX không chỉ tập trung vào việc sản xuất chè mà còn chú trọng vào phát triển cộng đồng và bảo vệ môi trường. HTX đã tạo ra hàng trăm việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là phụ nữ và những lao động nông thôn, giúp cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho các hộ gia đình trong vùng. Bên cạnh đó, HTX còn tổ chức các khóa đào tạo thường xuyên về kỹ thuật canh tác hữu cơ và quản lý sản xuất cho các thành viên, nâng cao kiến thức và kỹ năng của người dân, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành chè địa phương.
Để xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường, HTX Chè sạch Đông Trường Sơn đã đầu tư mạnh vào việc tạo dựng hình ảnh chè sạch, an toàn và chất lượng cao. Sản phẩm "Trà sạch Măng Đen" không chỉ được tiêu thụ mạnh trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế như Nhật Bản, châu Âu và Bắc Mỹ. Việc tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế và liên kết với các đối tác nước ngoài đã mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm và thương hiệu chè sạch Đông Trường Sơn trên thị trường quốc tế.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành công, HTX vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Biến đổi khí hậu là một thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp nói chung và trồng chè nói riêng. Thời tiết thất thường và hiện tượng thời tiết cực đoan có thể ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng chè. Để vượt qua thách thức này, HTX cần nghiên cứu và áp dụng các biện pháp thích ứng, chẳng hạn như chọn giống chè chịu hạn tốt hơn và cải thiện kỹ thuật canh tác để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Sự cạnh tranh trong trong các doanh nghiệp chè ngày càng khốc liệt với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu và sản phẩm mới. Để duy trì vị thế trên thị trường, HTX cần liên tục cải tiến chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, HTX cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, không chỉ dừng lại ở các sản phẩm chè truyền thống mà còn mở rộng sang các sản phẩm chế biến sâu như trà túi lọc, trà hòa tan và các sản phẩm từ chè khác, giúp nâng cao giá trị kinh tế và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo ông Phạm Thanh Bình - Trưởng phòng NN-PTNN huyện Kon Plông: Nhiều năm nay, người dân trên địa bàn đã liên kết trồng cây chè và mang lại hiệu quả tích cực. Việc này mở ra hướng đi mới, nhiều triển vọng, giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Thời gian tới, huyện Kon Plông đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, phấn đấu đạt quy mô 500ha chè, xây dựng vùng trọng điểm ở xã Hiếu và Pờ Ê, mở rộng vùng trồng ra xã Măng Cành, Đăk Tăng. Đồng thời, triển khai các chuỗi liên kết giá trị đối với cây chè để hình thành các vùng chè tập trung, quy mô lớn.