Mã số vùng trồng – Chìa khóa giúp nông sản vươn xa

Mã số vùng trồng là mã định danh cho một vùng trồng trọt để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Mã số vùng được cho là tấm vé thông hành để các mặt hàng nông sản xuất khẩu thế giới.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), hiện nay những quy định về vùng trồng, quy trình canh tác, quy trình sơ chế đóng gói… đang là yêu cầu khắt khe của hầu hết thị trường có nhu cầu nhập khẩu nông sản lớn, trong đó nổi bật là các thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như: Trung Quốc, Mỹ, Australia… Mã số vùng trồng chính là “chìa khóa” mở ra những cánh cửa cho nông sản Việt vươn xa hơn nữa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thời gian qua, dù mỗi thị trường quốc tế yêu cầu khác nhau về mã số vùng trồng nhưng nhìn chung các vùng trồng được cấp mã số đều phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt; ghi chép nhật ký canh tác để có thể truy xuất nguồn gốc… Doanh nghiệp và người nông dân phải kịp thời nắm bắt tình hình sinh vật gây hại, triển khai các biện pháp phòng trừ và không vi phạm quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, sự khắt khe khi yêu cầu sản xuất có gắn với mã số vùng trồng sẽ giúp người dân ngày càng chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn. Qua đó, tự người dân sẽ có phương án, kế hoạch giảm chi phí sản xuất, vật tư đầu vào, nhưng vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng và các tiêu chí nghiêm ngặt của thị trường xuất khẩu, cũng như cung ứng cho tiêu dùng trong nước.

Thành phố Hà Nội đã tập trung cấp mã số vùng trồng cho các loại cây trồng chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu, tuy nhiên việc này đang gặp không ít “rào cản”. Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Hòa thông tin: Đến nay, thành phố Hà Nội đã cấp 22 mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực phục vụ xuất khẩu, trong đó có 11 mã số cấp cho vùng trồng chuối, 8 mã số cho vùng trồng nhãn, 3 mã số cho vùng trồng bưởi.

Hiện nay, các vùng sản xuất chủ yếu phục vụ thị trường nội địa, việc xuất khẩu trái cây thời điểm hiện tại rất hạn chế nên việc sử dụng mã số vùng trồng không được duy trì thường xuyên. Ngoài ra, do quá trình đô thị hóa, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng thị trường... nên một số vùng trồng không duy trì việc sử dụng mã số.

Hiện cả nước có khoảng 4.000 mã số vùng trồng và 2.000 cơ sở đóng gói. Các địa phương cần xác định rõ cây trồng chủ lực, thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu, lấy đó làm cơ sở cấp mã số vùng trồng. Do đó, địa phương phải có sự chủ động và tận dụng những xung lực bên ngoài như hỗ trợ từ doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để xây dựng mã số vùng trồng.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua cũng có tình trạng “mượn” mã số, sử dụng mã số không đúng… và đã có lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo, trả lại. Một số địa phương còn chưa dành sự quan tâm đúng mức trong việc kiểm tra, giám sát và quản lý vùng trồng. Hay chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Hiện Cục Bảo vệ thực vật đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng. Sau khi chuẩn hóa, địa phương sẽ bổ sung thông tin mã số các vùng trồng, cơ sở đóng gói lên phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia, tiến tới quản lý cấp mã số trên hệ thống này nhằm hạn chế hồ sơ, giấy tờ

Kết hợp cấp mã số vùng trồng với thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử cho nông sản sẽ giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà vườn, cơ sở đóng gói, hạn chế được tối đa tình trạng “mượn” mã số vùng trồng để xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Các tỉnh, thành phố cần xây dựng, bổ sung các chỉ tiêu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vào nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch hành động phát triển kinh tế-xã hội. Từ đó có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Hoài Anh