Quảng Trị: Tăng cường quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ký ban hành Công văn số 2015/UBND-KT, ngày 09/05/2022 gửi Sở NN&PTNT; UBND các huyện, thành phố, thị xã về việc tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu trên địa bàn...

Lãnh đạo huyện Cam Lộ (bên trái) kiểm tra, theo dõi sự phát triển của cây dược liệu an xoa trồng ở xã Cam Thành. Ảnh: TTXVN
Lãnh đạo huyện Cam Lộ (bên trái) kiểm tra, theo dõi sự phát triển của cây dược liệu an xoa trồng ở xã Cam Thành. Ảnh: TTXVN

Thời gian qua, công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản trên địa bàn tỉnh chưa được triển khai đồng bộ. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt một số nội dung, cụ thể:

UBND các huyện, thành phố, thị xã: Tổ chức tuyên truyền những quy định về cấp mã số vùng trồng, mã số cho cơ sở đóng gói cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu nông sản biết, áp dụng.

Xây dựng, bổ sung các chỉ tiêu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vào Nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch hành động phát triển kinh tế xã hội tại địa phương; Quy hoạch, xây dựng các vùng chuyên canh tập trung ổn định lâu dài đối với cây trồng có khả năng xuất khẩu tại địa phương.

Bố trí nguồn lực để thực hiện công tác thiết lập và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói, trong đó chú trọng tập huấn, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan; thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, duy trì chất lượng của vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.

Doanh nhân Diễm Lệ trước quầy hàng sản phẩm tại hội chợ quốc tế. Ảnh: CTV
Doanh nhân Diễm Lệ trước quầy hàng sản phẩm tại hội chợ quốc tế. Ảnh: CTV
Quảng Trị: Tăng cường quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu - Ảnh 1

Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền các quy định về mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói và lợi ích khi được cấp mã số để mọi người dân, doanh nghiệp biết, áp dụng.

Sở Tài chính: Hàng năm cân đối ngân sách, tham mưu bố trí kinh phí để thực hiện các hoạt động duy trì, kiểm tra, tập huấn đối với vùng trồng, cơ sở đóng gói đã cấp mã số; phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mới đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia: Nghiên cứu đề xuất đưa các chỉ tiêu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để triển khai thực hiện.

Các hiệp hội, doanh nghiệp và người sản xuất: Tăng cường tuyên truyền cho hội viên quy định về mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, đặc biệt là quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu.

Chủ động xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng quy định của nước nhập khẩu. Đảm bảo luôn duy trì tình trạng đáp ứng quy định của nước nhập khẩu tại vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Phối hợp tổ chức tập huấn cho nông dân trong vùng nguyên liệu đảm bảo thực hiện đúng các quy định kỹ thuật. Chủ động có các biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý khi có thay đổi thông tin liên quan đến vùng trồng, cơ sở đóng gói hay khi phát hiện vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có biện pháp xử lý kịp thời.

Sản phẩm chuối đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân. Ảnh: CTV
Sản phẩm chuối đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân. Ảnh: CTV

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu nông sản những quy định về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để quản lý cơ sở dữ liệu về vùng trồng và cơ sở đóng gói đảm bảo sử dụng dữ liệu hiệu quả và truy xuất nguồn gốc nhanh chóng, minh bạch. Hướng dẫn, tiếp nhận và kiểm tra rà soát thủ tục hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân gửi Cục Bảo vệ thực vật theo quy định.

Phối hợp và hỗ trợ các địa phương trong việc khảo sát, xây dựng kế hoạch phát triển vùng trồng, cơ sở đóng gói trên cơ sở thực tế, đặc thù và nhu cầu của từng địa phương. Qua đó thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo duy trì đáp ứng các quy định kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm...

Chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để hướng dẫn doanh nghiệp, nông dân thực hiện các quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đồng gói. Tổng hợp kết quả thực hiện, những khó khăn và các giải pháp đề xuất của UBND các huyện, thành phố, thị xã trong quá trình thực hiện báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.

Chanh giây được người dân Quảng Trị đón nhận và hợp với khí hậu vùng nên luôn được mùa, có chất lượng
Chanh giây được người dân Quảng Trị đón nhận và hợp với khí hậu vùng nên luôn được mùa, có chất lượng
Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Bùi Quốc Dũng