Thái Nguyên là địa phương có khí hậu, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp, dịch vụ và công nghiệp chế biến thực phẩm. Việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch là mục tiêu và giải pháp quan trọng trong chuỗi liên kết xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Festival nông sản, OCOP, làng nghề gắn kết du lịch - Thái Nguyên 2023 có quy mô 120 gian hàng (trong đó tỉnh Thái Nguyên có gần 40 gian hàng), với hàng trăm sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu của các doanh nghiệp, HTX, làng nghề uy tín của hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước và tỉnh Thái Nguyên. Đây là nhịp cầu kết nối để Thái Nguyên và các tỉnh, thành phố trong cả nước gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, OCOP và làng nghề ra thị trường, đáp ứng xu thế tiêu thụ nông sản.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Festival, nhấn mạnh: Tỉnh Thái Nguyên mong muốn thông qua các hoạt động tại Festival để mở rộng giao lưu, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch với các địa phương trong cả nước; tăng cường liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và thúc đẩy kết nối tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của tỉnh...
Cùng với đó, trong chương trình, Ban Tổ chức đã trao giấy chứng nhận cho 30 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2023 của 27 cơ sở trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động nhằm tôn vinh các sản phẩm tiêu biểu, chất lượng, nâng cao uy tín với người tiêu dùng, hướng đến phát triển, mở rộng mạng lưới tiêu thụ trên thị trường.
Bên cạnh việc trưng bày các sản phẩm, tại Festival còn diễn ra các hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp; các trò chơi dân gian, màn trình diễn của các nghệ nhân… Theo kế hoạch, Festival diễn ra từ ngày 30-11 đến 4-12.
Festival lần này không chỉ giúp đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc sản là thế mạnh của các làng nghề, doanh nghiệp, HTX trong tỉnh, mà qua đây còn tạo mối liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông. Từ đó góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, phục vụ nhu cầu mua sắm, trải nghiệm của người dân trong và ngoài tỉnh...
PHI LONG