Trong báo cáo chiến lược tháng 6/2024 vừa cập nhật, SSI cho biết, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu ghi nhận phân hóa trong tháng 5. TTCK Mỹ liên tục thiết lập đỉnh mới nhờ động lực kết quả kinh doanh quý 1/2024 khả quan và kỳ vọng Fed sớm hạ lãi suất. Trong khi đó, các TTCK trong khu vực châu Á, nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan đang dần suy yếu.
TTCK Việt Nam với tín hiệu hạ nhiệt của tỷ giá đã tăng lại trọn vẹn trong tháng 5, nối tiếp nhịp hồi phục bắt đầu từ cuối tháng 4. Nằm trong nỗ lực bình ổn thị trường ngoại hối và thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện bán ra dự trữ USD và tổ chức nhiều cuộc đấu thầu vàng nhằm bổ sung nguồn cung. Tâm lý nhà đầu tư theo đó dần được giải tỏa và thúc đẩy VN-Index tiếp tục đi lên. Chỉ số kết phiên 31/5 tại 1.261,72 điểm, tăng hơn 52 điểm, tương ứng 4,32% so với tháng trước. Tính từ đầu năm, TTCK Việt Nam ghi nhận mức tăng 11,6% trên VN-Index.
Theo SSI Research, việc duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và chính sách tài khóa mở rộng sẽ giúp cho các hoạt động sản xuất, thương mại, đầu tư và tiêu dùng lần lượt hồi phục. Bên cạnh đó, các biện pháp giải quyết vướng mắc nâng hạng lên thị trường sẽ được cụ thể hóa hơn.
Trong hai kịch bản ngắn hạn được SSI Research đưa ra, theo chiều hướng tích cực, VN-Index tiếp nối nhịp phục hồi xuyên suốt tháng 5 và hiện tạm chững lại đi ngang khi tiếp cận ngưỡng kháng cự mạnh 1.285-1.292 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật như RSI và ADX chuyển tín hiệu sang tích cực khi vận động hướng lên, từ tín hiệu trung tính trước đó. Điều này cho nhận định chỉ số VNIndex có khả năng duy trì động lực đi lên trong tháng 6.
SSI cho rằng, chỉ số VN-Index tiếp nối nhịp phục hồi xuyên suốt tháng 5 và hiện tạm chững lại đi ngang khi tiếp cận ngưỡng kháng cự mạnh 1.285-1.292 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật như RSI và ADX chuyển tín hiệu sang tích cực khi vận động hướng lên, từ tín hiệu trung tính trước đó. Điều này cho nhận thấy số có khả năng duy trì động lực đi lên trong tháng 6.
Theo đó, vùng tranh chấp 1.285-1.292 trên VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua sau khi chỉ số trải qua giai đoạn củng cố trên nền giá hiện tại. Trong kịch bản tích cực, mục tiêu 1.330-1.340 điểm có thể hướng đến.
Ở chiều ngược lại, đơn vị phân tích không loại trừ các nhịp kéo lại xuất hiện sau đợt hồi phục đáng kể và vùng 1.260 điểm là ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn cho chỉ số.
Tháng 6, theo lịch sử thống kê từ năm 2010 đến nay cũng không phải là một tháng thật sự tích cực cho TTCK, đặc biệt trong bối cảnh chỉ số phục hồi hơn 10% và mức phục hồi cao hơn ở những ngành công nghệ thông tin, bán lẻ, thép, năng lượng, tài chính chỉ trong khoảng 5 tuần giao dịch. Cung chốt lời bảo toàn lợi nhuận và hạ tỷ lệ vay nợ khi thị trường tiến về cuối quý 2 có thể khiến thị trường khó bứt phá.
Về dài hạn, SSI đánh giá triển vọng TTCK trung dài hạn vẫn tích cực khi nhìn vào bức tranh lớn. Việc duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và chính sách tài khóa mở rộng trong năm 2024 sẽ giúp cho các hoạt động sản xuất, thương mại, đầu tư và tiêu dùng lần lượt hồi phục. Nhờ vậy, kỳ vọng về kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết quay lại quỹ đạo tăng trưởng là một trong những động lực chính cho TTCK Việt Nam trong quý 2 và nửa cuối năm 2024.
Bên cạnh đó, các biện pháp nhằm giải quyết vướng mắc trong việc nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russel sẽ được cụ thể hóa hơn cũng là một yếu tố quan trọng cho TTCK. Giai đoạn nửa cuối năm cũng là lúc các nhà đầu tư bắt đầu thiết lập kỳ vọng cho 2025 và đang có những cơ sở để cho rằng sẽ có những hồi phục tốt hơn về kinh tế thế giới và Việt Nam, trong khi các yếu tố rủi ro cũng sẽ hiện diện rõ hơn và có thể có tác động nhẹ hơn đối với thị trường.
Theo ước tính của SSI Research, các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tăng trưởng vững chắc trong các nhóm ngành bán lẻ, phân bón, thép-tôn mạ, chứng khoán và xuất khẩu sẽ có cơ hội nhiều nhất trong năm 2024.
Trong khi đó, sự chú ý của thị trường còn mở rộng sang một số nhóm ngành có định giá gần như đi ngang nếu tính từ đầu năm 2023 như nhóm thực phẩm đồ uống và nhóm tiện ích (điện) và các cổ phiếu dự kiến trả cổ tức cao.
Về rủi ro, rủi ro về địa chính trị và viêc Cục dự trữ liên bang Mỹ trì hoãn giảm lãi suất sẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn đến các cân đối vĩ mô trong nước và sẽ tác động không tích cực đến thị trường chứng khoán. Về các yếu tố nội tại, các rủi ro lớn có thể kể đến như tỷ giá và áp lực lên lãi suất, thị trường bất động sản còn yếu trong khi dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn còn lại trong năm 2024 vẫn còn rất cao và tiêu dùng phục hồi không đạt như kỳ vọng.
Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc Cấp cao Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh - Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, tuần mới thị trường tăng giảm đan xen theo hướng tăng điểm là chủ đạo, không có nhiều biến động lớn. Hiện thị trường đang ở vũng trũng thông tin, thị trường, doanh nghiệp không có thông tin mới giúp cho nhà đầu tư phấn khích, mạnh mẽ giải ngân, cũng như thu hút dòng tiền tổ chức trong và ngoài nước.
Riêng về dòng tiền khối ngoại vẫn đang là điều khiến nhà đầu tư nội không thoải mái khi kéo dài trạng thái bán ròng quá lâu. Nhưng gần đây, thống kê cho thấy khối này đã giảm lượng bán ròng. Sắp tới, nếu khối này tiếp tục giảm lượng bán ròng sẽ tạo tâm lý tích cực hơn cho nhà đầu tư trong nước.
Về áp lực tỷ giá, tôi không quá bi quan, các yếu tố tác động tới vấn đề tỷ giá chưa đáng quan ngại.
Các thông tin để thị trường tích cực hơn, tác động tốt tới tâm lý nhà đầu tư đó là thông tin tiến trình nâng hạng thị trường, thông tin về vận hành hệ thống KRX.
Hiện nay, bản thân nhà đầu tư cũng không nên lúc nào cũng chờ đợi, yêu cầu các cơ quan quản lý phải ra thông tin tích cực. Khi đầu tư vào thị trường chứng khoán, nhà đầu tư nên có những chiến lược, quan điểm đầu tư rõ ràng, chẳng hạn: đầu tư vào cổ phiếu, doanh nghiệp vì điều gì?. Khi thị trường chưa có nhiều nốt thăng là cơ hội để nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu tốt với vùng giá hợp lý. Khi thị trường bùng nổ bởi các thông tin tích cực, dòng tiền quay lại, giá cổ phiếu diễn biến tốt thì tùy chiến lược mà giao dịch.
Tiến Hoàng