Tháo gỡ về thể chế để phát triển kinh tế tư nhân
Chiều 18/2, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ thảo luận đề án về đổi mới toàn diện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế thực hiện Nghị quyết Trung ương số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, một trong những nguyên nhân của các thành tích thời gian qua, đặc biệt là 5 năm qua chính là việc giải phóng mọi nguồn lực cho phát triển, coi trọng các thành phần kinh tế, trong đó đặt vấn đề về kinh tế tư nhân một cách đúng mức.
Theo Thủ tướng, thời gian qua kinh tế tư nhân phát triển rất nhanh, xuất hiện nhiều tập đoàn lớn, có nhiều đóng góp vào tăng trưởng. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý đề án phải nêu rõ hơn về các cản trở, ràng buộc đối với sự phát triển kinh tế tư nhân và các giải pháp tháo gỡ.
Vì thế, Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, quản lý Nhà nước phải tôn trọng yêu cầu, quy luật khách quan của thị trường trong phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trong đó cần tập trung tháo gỡ về thể chế chính sách, pháp luật, giải phóng sức sản xuất và nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế tư nhân.
“Điều quan trọng nhất là phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó có kinh tế tư nhân, tạo mọi điều kiện cho kinh tế tư nhân yên tâm đầu tư, kinh doanh, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam”, Thủ tướng nói, đồng thời nhất trí đưa các nội dung của đề án vào chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Giảm chi phí, không hình sự hóa
Trước đó, báo cáo về nội dung đề án, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về phạm vi, đề án tập trung vào chức năng quản lý và phát triển kinh tế của Nhà nước thuộc nhóm cơ quan hành pháp và chức năng có tính chất tổng hợp, liên ngành.
Mục tiêu đề án hướng tới là, đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý Nhà nước theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang quản lý và kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển.
Bên cạnh đó, các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực kinh tế được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng quy luật của thị trường, đảm bảo tính thống nhất, toàn diện. Đảm bảo tính công khai, minh bạch và đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tổ chức không phân biệt thành phần kinh tế. Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro và ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm, giảm chi phí cho doanh nghiệp, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.
Văn Kiên
Theo Tiền phong