Những kết quả nổi bật...
Đến tháng 12/2021, toàn tỉnh Hòa Bình đã có thêm 09 xã đạt chuẩn xã Nông thôn mới, qua đó, đạt và vượt 150% kế hoạch về số xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021 (chỉ tiêu 06 xã đạt chuẩn Nông thôn mới), nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Hòa Bình lên 65/129 xã, chiếm 50,4% (tăng 6,1% so với năm 2020); Trong đó, bình quân tiêu chí Nông thôn mới toàn tỉnh đạt 15,6 tiêu chí/xã;
Sau khi triển khai nhiệm vụ Xây dựng Nông thôn mới nâng cao, đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình đã có 20 xã Nông thôn mới nâng cao, 60 Khu dân cư kiểu mẫu, 170 vườn mẫu. Điển hình, thành phố Hòa Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới năm 2018, huyện Lương Sơn đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2019, huyện Lạc Thủy đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020.
Với những cách làm hay, sáng tạo, nhanh nhạy theo xu thế phát triển của thị trường, người dân trên địa bàn tỉnh đã sớm tự nâng cao trình độ dân trí, tiếp cận khoa học kỹ thuật để áp dụng và sản xuất, lao động, trong đó phải kể đến các ngành nghề nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như nuôi ong, dệt thổ cẩm, nghề mây tre đan, chế biến các món ăn dân tộc, chế biến nông, lâm, thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao... các Hợp tác xã trên cơ sở các mặt hàng nông sản trên cũng từ đó mà sinh ra, trở thành điểm kết nối nông sản trên địa bàn để tiêu thụ đi các thị trường trong và ngoài nước, tạo ra vị thế cho nông sản Hòa Bình, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Xây dựng Nông thôn mới là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta, với mục tiêu giảm dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, tạo ra những vùng quê giàu mạnh “đáng sống”; Hòa Bình là tỉnh có thế mạnh về các nghề thủ công mỹ nghệ, sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, dệt may, thêu ren … nhiều làng nghề có lịch sử hàng trăm năm. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, làng nghề truyền thống đã đóng vai trò là nhân tố quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế... Do vậy, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống không chỉ là gìn giữ yếu tố văn hóa mà còn có tác dụng rõ rệt đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Không chỉ giúp đồng bào các địa phương phát triển kinh tế, nhiều hợp tác xã trở thành điểm thăm quan du lịch, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, văn hóa dân tộc đặc trưng, làm hồng thêm giá trị văn hóa tỉnh Hòa Bình đối với du khách trong và ngoài nước.
Du lịch cộng đồng thành thương hiệu Hòa Bình....
Để phát triển loại hình du lịch cộng đồng tương xứng với tiềm năng sẵn có và kết hợp có hiệu quả với chương trình xây dựng Nông thôn mới, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND ngày 23/3/2017 về phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với chương trình xây dựng Nông thôn mới tỉnh Hòa Bình đến năm 2030”.
Do đó, với những tiềm năng và lợi thế, du lịch Cộng đồng ở Hòa Bình đã có thương hiệu, và được nhiều du khách quốc tế rất yêu thích. Loại hình du lịch cộng đồng gắn với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa, nông nghiệp nông thôn hiện đang là xu thế, đã và đang phát triển với nhiều mô hình khác nhau. Phát triển du lịch nông thôn biến những lợi thế đặc trưng của cộng đồng các dân tộc tạo ra sản phẩm hấp dẫn khách du lịch và góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư, bảo vệ môi trường tự nhiên, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc... các địa phương thế mạnh như Mai Châu, Cao Phong, Kim Bôi, Lương Sơn...
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch nông nghiệp; xây dựng các chương trình du lịch mới gắn với lĩnh vực nông nghiệp tạo thành các tour, tuyến cho khách du lịch được khám phá, trải nghiệm tại địa phương. Tỉnh Hòa Bình tiếp tục chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch cộng đồng tới các thị trường khách quốc tế, nội địa để thu hút khách du lịch đến tỉnh Hòa Bình..
Hi vọng, với việc triển khai đồng bộ những nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, du lịch nông nghiệp tỉnh Hòa Bình cất cánh, ngày càng hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao trong khu vực; góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; gắn phát triển du lịch với phát triển nông nghiệp bền vững...
Khẳng định thương hiệu nông sản sạch Hòa Bình...
Năm 2021 có 31 sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng sản phẩm cấp tỉnh, đạt và vượt 155% kế hoạch năm 2021 (chỉ tiêu phấn đấu có thêm từ 20 sản OCOP cấp tỉnh được chuẩn hóa và nâng hạng).
Toàn tỉnh Hòa Bình có 32 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của 28 chủ thể, gồm: 19 HTX, 3 doanh nghiệp, 1 tổ hợp tác và 5 hộ có đăng ký kinh doanh. Các sản phẩm thuộc nhóm ngành: Thực phẩm 21 sản phẩm; đồ uống 1; thảo dược 6; thủ công mỹ nghệ, trang trí 2; vải, may mặc 1; dịch vụ du lịch nông thôn; bán hàng 1.
Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng đều có thương hiệu, mẫu mã bao bì, thông tin trên bao bì sản phẩm, vùng nguyên liệu, quy mô sản xuất… Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được thực hiện nghiêm túc, chính xác, đúng với yêu cầu đề ra. Kết quả phân hạng 31/32 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó, 27 sản phẩm 3 sao, 4 sản phẩm 4 sao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ông Đinh Công Sứ cho biết, nỗ lực vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 của các địa phương và chủ thể tham gia Chương trình OCOP năm nay là rất ý nghĩa. Tất cả sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP năm nay là những sản phẩm đặc trung, tiêu biểu và chứa đựng những nét văn hóa, tập quán, thế mạnh của từng địa phương, đều đủ điều kiện tham gia đánh giá, có khả năng mở rộng, liên kết để mở rộng quy mô. So với những năm trước, năm nay, các địa phương đã có kinh nghiệm trong triển khai, hướng dẫn chủ thể hoàn thiện hồ sơ và các tiêu chí đánh giá. Chủ thể có sự đầu tư trong khâu thiết kế, trình bày mẫu mã bao bì sản phẩm; quan tâm tới mở rộng vùng nguyên liệu, quy mô sản xuất…
Trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tiếp tục tạo mọi điều kiện, quan tâm tới thế mạnh của các địa phương và chủ thể có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP qua các kênh thương mại điện tử... với mục tiêu nâng cao giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thắng lợi chương trình nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Văn phòng Tây Bắc