VDSC: Tăng trưởng xuất khẩu phân hóa trong quý 1/2022

Theo phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới gia tăng và lạm phát tăng mạnh ở các nền kinh tế phát triển, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cho thấy mức tăng trưởng nổi bật trong quý 1/2022.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cán cân thương mại thặng dư trở lại trong tháng 3/2022

Trong báo cáo cập nhật vĩ mô về chủ đề kinh tế Việt Nam, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, trong tháng 3, xuất khẩu Việt Nam tiếp tục khởi sắc với mức tăng 17,0% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 15,5% trong tháng 2/2022.

Trong đó, xuất khẩu khu vực FDI tiếp tục cải thiện với mức tăng trưởng 17,8% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng 14,9% của khu vực trong nước. So với hai tháng đầu năm, đà tăng trưởng xuất khẩu của khu vực trong nước cho thấy dấu hiệu chững lại trong tháng qua. Khác với hai tháng đầu năm, nhập khẩu trong tháng 3/2022 tăng chậm hơn xuất khẩu, tăng trưởng 14,6% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 22,3% trong tháng 2/2022.

Xu hướng tăng chậm lại ở chiều nhập khẩu khá tương đồng đối với cả hai khu vực FDI và trong nước. Do đà tăng của nhập khẩu thu hẹp, cán cân thương mại ghi nhận mức thặng dư khoảng 2,0 tỷ USD trong tháng qua.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cả nước tăng 13,4% so với cùng kỳ, nhập khẩu tăng 15,2%, thặng dư thương mại trong Q1/2022 ước đạt 1,5 tỷ USD, thấp hơn mức thặng dư 2,8 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.  

Nguồn: Báo cáo VDSC
Nguồn: Báo cáo VDSC

Tăng trưởng xuất khẩu có sự phân hóa trong các nhóm hàng và thị trường

Theo VDSC, trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới gia tăng và lạm phát tăng mạnh ở các nền kinh tế phát triển, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cho thấy mức tăng trưởng nổi bật trong quý 1/2022.

Cụ thể, xuất khẩu dầu thô và xăng dầu các loại tăng lần lượt 17,9% và 90,9% về giá trị so với cùng kỳ, mặc dù xét về lượng, xuất khẩu dầu thô giảm 28,0% và xuất khẩu xăng dầu chỉ tăng 15,4%. Các sản phẩm hóa chất cũng ghi nhận mức tăng cao khoảng 75,3% so với cùng kỳ. Xuất khẩu phân bón tăng mạnh cả về lượng và giá trị, lần lượt tăng 42,6% về lượng và tăng 199,4% về giá trị so với cùng kỳ trong quý 1.

Trong số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, hàng dệt may, túi xách ghi nhận mức tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ, trong khi đó, xuất khẩu giày dép, hàng điện tử và gỗ chỉ tăng trưởng lần lượt 10,3%, 8,1% và 4,0% so với cùng kỳ.

Những mặt hàng xuất khẩu đặc biệt nổi trội trong năm 2021 như sắt thép hay máy móc thì chỉ có xuất khẩu sắt thép vẫn duy trì được mức tăng khá tốt khoảng 18,4% còn xuất khẩu máy móc thiết bị chỉ tăng 9,1% so với cùng kỳ.  

VDSC cho biết, theo đối tác xuất khẩu chính, ASEAN vẫn là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trong quý 1/2022, tăng 19,2% so với cùng kỳ. Theo sau đó là xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc (+18,8%), EU (+18,3%) và Hoa Kỳ (+16,7%). Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Trung Quốc chỉ tăng khoảng 10,0% và 7,0% so với cùng kỳ.

Nguồn: Báo cáo VDSC
Nguồn: Báo cáo VDSC

Theo số liệu mới nhất từ Trung Quốc, tăng trưởng nhập khẩu của nước này suy giảm lần đầu tiên kể từ tháng 9/2020, giảm 0,1% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức tăng 15,5% so với cùng kỳ trong hai tháng đầu năm.

Diễn biến xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc dù không tích cực bằng giai đoạn trước nhưng đang cho thấy sự cải thiện, điều này có thể coi là một điểm sáng của hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt lại nhiều thành phố lớn.

Cũng theo VDSC, liên quan đến cuộc khủng hoảng Nga – Ucraina, trong tháng 3/2022, Việt Nam hầu như không xuất khẩu được sang Ucraina, trong khi đó, xuất khẩu sang Nga cũng rất hạn chế, chỉ khoảng 43,8 triệu USD so với kim ngạch xuất khẩu bình quân trên 250 triệu USD/tháng trước khi chiến tranh diễn ra. Tính chung quý 1/2022, xuất khẩu sang Nga và Ucraina giảm 30,4% so với cùng kỳ, tuy nhiên điều này không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng chung của xuất khẩu cả nước.

Nhập khẩu suy giảm ở nhóm hàng tiêu dùng và máy móc thiết bị

VDSC cho rằng, nguyên nhân quan trọng khiến tăng trưởng nhập khẩu thu hẹp trong tháng 3/2022 là do sự sụt giảm trong hoạt động nhập khẩu máy móc thiết bị. Kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trung bình thường chiếm khoảng 11-13% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong tháng 3/2022, nhập khẩu máy móc thiết bị giảm 10,3% so với cùng kỳ. Sự suy giảm trong nhập khẩu máy móc đã xuất hiện từ tháng 12/2021 và kéo dài cho đến nay.

Nguồn: Báo cáo VDSC
Nguồn: Báo cáo VDSC

Theo VDSC: “Thông thường, nhập khẩu máy móc sẽ gắn với đầu tư mở rộng sản xuất, xu hướng này nếu kéo dài thì sẽ có hai khả năng: máy móc thiết bị sản xuất trong nước thay thế được hàng nhập khẩu; hoạt động đầu tư mở rộng của doanh nghiệp vẫn còn yếu sau dịch. Chúng tôi cho rằng khả năng thứ hai có xác suất cao hơn”.

Tính chung quý 1/2022, nhập khẩu máy móc thiết bị giảm 3,1% so với cùng kỳ. Ngoài máy móc thiết bị, nhập khẩu một số mặt hàng tiêu dùng trên đà suy giảm như ô tô và xe máy với mức giảm lần lượt 29,6% và 18,9% so với cùng kỳ. Ngược lại, nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất dệt may và hàng điện tử vẫn tăng 24,3% so với cùng kỳ, cùng với đà tăng cao của một số hàng hóa do tác động của giá hàng hóa thế giới tăng cao như than (+101,6%), dầu thô (+49,8%), xăng dầu (+128,5%), hóa chất (+33,5%) và phân bón (+65,9%).

Theo thị trường, nhập khẩu từ Hàn Quốc ghi nhận mức tăng cao nhất (+32,6% so với cùng kỳ). Nhập khẩu từ các thị trường châu Á có vẻ chững lại hơn so với hai tháng đầu năm trong tháng 3, tính chung Q1/2022, tăng trưởng sang các thị trường như Nhật Bản, ASEAN và Trung Quốc lần lượt ở mức 11,0%, 15,0% và 12,6%.  Nhập khẩu của Việt Nam từ các thị trường phát triển như Hoa Kỳ và EU tiếp tục tăng trưởng âm lần lượt 7,8% và 3,8% trong quý đầu năm.