Vượt Thái Lan gạo Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất vào Philippines

Trong 5 tháng đầu năm 2024 gạo Việt Nam xuất khẩu sang Philippines đạt 1,44 triệu tấn, chiếm 72,9% trong tổng số gạo nhập khẩu của quốc gia này.

Báo chí Philippines ngày 4-6 đưa tin ông Arsenio Balisacan, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Phát triển quốc gia của đất nước này, thông báo việc giảm thuế nhập khẩu cho gạo từ 35% xuống còn 15% và kéo dài đến năm 2028.

Chính sách này áp dụng cho cả gạo trong và ngoài hạn ngạch, nhằm hỗ trợ nhà nhập khẩu và điều chỉnh giá gạo đến mức phù hợp với người tiêu dùng. Tin này mang lại niềm vui cho ngành gạo Việt Nam, khi theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, lượng nhập khẩu gạo của Philippines từ đầu năm 2024 đến ngày 23-5 tăng lên gần 2 triệu tấn, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó gạo Việt Nam chiếm đến gần 73% thị phần. Philippines cũng là thị trường lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, chiếm 45,9% thị phần xuất khẩu với 1,49 triệu tấn và kim ngạch 935,6 triệu USD, tăng lần lượt 15,9% về lượng và 44,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Các loại gạo DT8 và OM5451 của Việt Nam đang được ưa chuộng bởi hương vị tốt và giá cả hợp lý.

Thương vụ Việt Nam tại Philippines (Bộ Công Thương) thông tin từ Cục Thực vật - Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, lượng nhập khẩu gạo của Philippines tăng lên gần 2 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm hiện tại, Cục Thực vật đã cấp 4.066 giấy phép thông quan nhập khẩu gạo cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Việt Nam vẫn giữ vị trí đối tác xuất khẩu gạo hàng đầu của Philippines, với lượng gạo xuất khẩu từ ngày 1-1 đến 23-5 đạt 1,44 triệu tấn, chiếm 72,9% trong tổng số gạo nhập khẩu của quốc gia này.

Các nước đứng sau Việt Nam bao gồm Thái Lan, Pakistan, Myanmar... Dự báo năm 2024, tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines sẽ đạt khoảng 4 triệu tấn. Các loại gạo ĐT8 và 5451 của Việt Nam đang được thị trường Philippines ưa chuộng do hương vị mềm cơm. Gạo Việt Nam đang nắm giữ thị phần lớn tại khu vực Metro Manila và các tỉnh phía Nam, nhờ vào chất lượng và giá cả phù hợp.

Gạo Việt Nam được người dân Philippines ưa chuộng nhờ vào chất lượng và giá cả phù hợp. Ảnh minh họa
Gạo Việt Nam được người dân Philippines ưa chuộng nhờ vào chất lượng và giá cả phù hợp. Ảnh minh họa

Trước đó, Bộ Công Thương cho biết, để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo Việt Nam bền vững trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp.

Cụ thể là triển khai các hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu gạo Việt Nam, các hoạt động xúc tiến thương mại để khai thác hiệu quả lợi thế từ các hiệp định FTA. Qua đó, đa dạng hóa, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng, nâng cao sức cạnh tranh cho ngành gạo Việt Nam.

Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước theo dõi, cập nhật chính sách, động thái của các nước sản xuất và xuất khẩu gạo. Kịp thời thông tin đến các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thương nhân kinh doanh xuất khẩu để chủ động điều tiết sản xuất, kinh doanh, đảm bảo hiệu quả.

Hướng dẫn VFA, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu. Song song đó, sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Mục đích nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho các thương nhân xuất khẩu gạo.