Trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 gây rất nhiều trở ngại, thách thức về vận chuyển, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, nhưng xuất khẩu nông sản Việt sang Mỹ vẫn đạt kết quả ấn tượng. Theo Báo cáo mới nhất của Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 4,9 tỷ USD (chiếm 27,3% thị phần).
Mỹ là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam. Trong tổng số kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản sang Mỹ, xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tỷ trọng 68,2%. Bên cạnh đó, các mặt hàng nổi bật khác có thể kể tới là thuỷ sản, hạt điều, trái cây…
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Chiếm 60,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất trong 4 tháng đầu năm. Với quy mô dân số hơn 333 triệu người cùng sức mua lớn, lại đang trong giai đoạn phục hồi mạnh sau đại dịch, Mỹ là thị trường tiềm năng đối với các sản phẩm đồ nội thất bằng gỗ.
Từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã vượt Trung Quốc trở thành thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Mỹ. Đồ gỗ chế biến là sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam và rất phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ. Riêng đối với nhóm hàng trái cây và các thực phẩm nông sản khác, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam mới khai thác được thị trường người gốc Á. Trong khi đó, thị trường người Mỹ bản địa và người Mỹ gốc Latin vẫn chưa được các DN Việt Nam khai thác nhiều.
Theo ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ, thương mại (Thương vụ Việt Nam tại Mỹ), thương mại song phương Việt - Mỹ đang ở giai đoạn thuận lợi nhất từ trước tới nay, do Chính phủ hai nước đều tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại, đầu tư. Trong nhóm nông sản nói chung, đồ gỗ, thủy sản đạt kim ngạch lớn, nhưng gạo, cà phê, rau quả thì vẫn còn khiêm tốn. Doanh nghiệp đang có nhiều cơ hội và nên tận dụng để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và phía Mỹ có nhu cầu nhập khẩu để đáp ứng tiêu dùng nội địa là: rau, củ, quả, cà phê, chè, hạt tiêu, cao su, hạt điều, thuỷ sản... Nếu đáp ứng được các rào cản kỹ thuật, xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Những tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản sang thị trường “siêu khó tính" này đã cho thấy triển vọng thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản nói chung sang thị trường Mỹ trong thời gian tới còn khá rộng mở. Không chỉ với các mặt hàng truyền thống giao thương từ trước tới nay, Mỹ còn đang chuẩn bị mở cửa cho mặt hàng nông sản mới của Việt Nam là trái bưởi.
Đánh giá nông sản Việt Nam đã và đang có nhiều dư địa xuất khẩu sang Mỹ, song để bám sâu, bám chắc tại thị trường này, nhiều chuyên gia cho rằng, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần xác định làm ăn lâu dài với nhà nhập khẩu tại Mỹ để đầu tư bài bản, trúng đích. Đồng thời, doanh nghiệp Việt cần cam kết chất lượng, đảm bảo độ đồng đều, ổn định trong mỗi lô hàng xuất khẩu. Bởi người Mỹ thích sự khác biệt, đòi hỏi chất lượng cao, đồng nhất, ổn định. Đây là “sân chơi” cạnh tranh nhưng công bằng, có nhiều thị trường ngách cho doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam có cơ hội kinh doanh với quy định rõ ràng. Thấu hiểu điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có thể làm ăn dài hạn.
Bên cạnh nỗ lực từ các doanh nghiệp, các chuyên gia cũng cho rằng, vai trò của các đại sứ, tham tán thương mại tại các nước là hết sức quan trọng. Việc đưa các thông tin thị trường, đặc biệt là các thông tin về nhu cầu, thị hiếu, cảnh báo về thị trường điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp tránh rủi ro, thua thiệt, mà còn tìm thấy được cơ hội xuất khẩu từ những nguy nan.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thông qua kênh thương mại điện tử như tổ chức các phiên chợ online, tham gia các sàn thương mại điện tử lớn như Amazon, Alibaba,... để thúc đẩy xuất khẩu.
Bảo Anh