Chè Ba Vì trước khó khăn từ đại dịch Covid-19

Dịch bệnh Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả mọi ngành nghề, những người làm chè cũng không nằm ngoài ảnh hưởng. Nhọc nhằn giữ nghề, người làm chè vẫn không nguôi hy vọng, “cơn bão” này sẽ sớm đi qua. Có thể nói, để tồn tại, phát triển nhanh chóng và bền vững, cây chè cũng có những bước đi thăng trầm của nó.

Nghề chè xoay xở vượt khó

Đợt dịch vừa rồi khiến việc mua bán, tiêu thụ chè trên địa bàn huyện Ba Vì (Hà Nội) giảm sút, người trồng chè gặp khó, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cũng đang tìm mọi cách để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, cùng với việc khuyến khích người dân địa phương liên kết trồng và chế biến chè an toàn, xã Ba Trại, huyện Ba Vì cũng đang tập trung đầu tư xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm từ chính những vườn chè VietGAP.

Từ năm 2013, được sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội, người dân Ba Trại đã tích cực đưa vào trồng thay thế giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao và sản xuất theo quy trình VietGAP. Ông Nguyễn Văn Cứ, ở thôn 2, xã Ba Trại chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 1 mẫu chè theo quy trình VietGAP, mỗi năm thu hoạch 7 - 8 lứa. Trồng chè an toàn vừa giảm được chi phí mà năng suất tăng gấp đôi, búp chè đẹp và bán được giá cao, bình quân từ 200.000 – 250.000/kg chè búp khô. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình tôi những năm gần đây đã được nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc sản xuất tiêu thụ chè vì thế mà cũng bị ảnh hưởng, hiện nay gia đình vẫn đang cố chăm chút cho vườn chè, hy vọng tình hình dịch bệnh được kiểm soát giá cả sẽ ổn định”.

Trong những năm qua, nhờ liên kết trồng chè sạch theo quy trình VietGAP, vùng chè xanh Ba Vì đã có nhiều thay đổi tích cực. Điểm nổi bật là môi trường được bảo vệ, giá trị thu nhập từ cây chè nâng lên, từ đó mở ra hướng phát triển mới cho vùng chè Ba Vì - Ảnh: Dân tộc và Miền núi.
Trong những năm qua, nhờ liên kết trồng chè sạch theo quy trình VietGAP, vùng chè xanh Ba Vì đã có nhiều thay đổi tích cực. Điểm nổi bật là môi trường được bảo vệ, giá trị thu nhập từ cây chè nâng lên, từ đó mở ra hướng phát triển mới cho vùng chè Ba Vì - Ảnh: Dân tộc và Miền núi.

Hiện nay, cây chè chiếm 60% trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của xã Ba Trại, thu nhập bình quân đầu người làm nghề trồng chè đạt 50 triệu đồng/người/năm. Cùng với cải tạo vườn chè bằng giống mới, nhiều hộ còn lắp đặt hệ thống tưới nước tự động giúp cây chè phát triển tốt hơn, giảm công chăm sóc.

Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch UBND xã Ba Trại Hoàng Văn Chuyển cho hay, Ba Trại là thủ phủ chè của huyện Ba Vì với tổng diện trồng chè 600ha. Trung bình mỗi hộ dân có từ 5 sào đến 1 mẫu trồng chè. 9/10 thôn của Ba Trại đã được TP công nhận danh hiệu Làng nghề chế biến chè búp khô truyền thống. Từ năm 2019, Ba Trại bắt tay vào xây dựng nhãn hiệu tập thể “Chè búp khô Ba Trại”. Hiện, hồ sơ đã hoàn thiện và đang được trình lên cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận.

Có thể nói, phát triển cây chè là một hướng đi đúng của các nhà quản lý; nó đã góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo sức bền và nâng cao mức sống cho người trồng chè cũng như đời sống kinh tế xã hội của đồng bào các xã vùng dân tộc miền núi của huyện nói riêng, huyện Ba Vì nói chung. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, để loại cây trồng chủ lực này phát triển bền vững, cùng với thực hiện các giải pháp bảo đảm phát triển kinh tế trong giai đoạn phòng chống dịch, đối với sản xuất chè tại địa phương, doanh nghiệp tiếp tục đốn đốc, hướng dẫn nhân dân duy trì thực hiện các biện pháp đầu tư thâm canh bảo đảm cho cây chè ổn định năng suất, chất lượng sản phẩm.

Thời gian qua, chính quyền các địa phương của huyện Ba Vì cũng chủ động phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn; xây dựng các phương án, giải pháp tiêu thụ sản phẩm chè trong giai đoạn hiện nay.

Làm du lịch từ đồi chè - Hướng phát triển mới mang lại hiệu quả kép

Trong những năm qua, nhờ liên kết trồng chè sạch theo quy trình VietGAP, vùng chè xanh Ba Vì đã có nhiều thay đổi tích cực. Điểm nổi bật là môi trường được bảo vệ, giá trị thu nhập từ cây chè nâng lên, từ đó mở ra hướng phát triển mới cho vùng chè Ba Vì.

Trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại hộ nông dân Bùi Văn Sách ở thôn 3, xã Ba Trại, huyện Ba Vì cho hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: Dân tộc và Miền núi.  
Trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại hộ nông dân Bùi Văn Sách ở thôn 3, xã Ba Trại, huyện Ba Vì cho hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: Dân tộc và Miền núi.  

Ngoài xã Ba Trại, cây chè còn được trồng nhiều tại các xã: Ba Vì, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, Minh Quang, Khánh Thượng, Nông trường Sông Đà, Nông trường Việt - Mông... với tổng diện tích toàn huyện 1.750 héc ta.

Thông tin trước báo chí, theo ông Nguyễn Giáp Đông, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết , năm 2020, Ba Vì tiếp tục mở rộng thêm 20 ha chất lượng cao tại các xã trồng chè trọng điểm của huyện như: Ba Trại, Yên Bài, Minh Quang... trong đó, chủ lực là giống chè mới LDP1 có năng suất, chất lượng cao. “ Chè Ba Trại bây giờ có thương hiệu 4 sao rồi. Chúng tôi đang phấn đấu để đạt thương hiệu 5 sao trong thời gian tới”- ông Đông chia sẻ.

Không mênh mông với tầm mắt trải dài như các đồi chè ở Mộc Châu, chè ở Ba Trại là giống mới, cây thấp, lộc nhú mỡ màng như nảy mầm sau mưa. Sự đẹp mắt có tính chất khác biệt của các vườn chè ở Ba Trại đã và đang thu hút du khách đến tham quan. 

Đưa chúng tôi đi thăm các vườn chè, ông Nguyễn Tạ Tấn, Phó chủ tịch xã Ba Trại kể với giọng tự hào: “Trong năm 2018-2019, Ba Trại đón hơn 10 ngàn lượt khách tham quan; năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn có  du khách đến với vườn chè Ba Trại và thưởng thức ẩm thực của dân tộc Mường”.

Nhiều vườn chè VietGAP tại xã Ba Trại (huyện Ba Vì) đã và đang thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Nhiều vườn chè VietGAP tại xã Ba Trại (huyện Ba Vì) đã và đang thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm - Ảnh: Kinh tế & Đô thị.

Trở thành điểm “check in” mới của giới trẻ nhưng việc phát triển du lịch ở Ba Trại vẫn còn rất sơ khai. Mong muốn Ba Trại thành vùng du lịch sinh thái với điểm nhấn là chè sạch và ẩm thực Mường, chính quyền địa phương đang vận động người dân sửa sang nhà cửa khang trang, sạch sẽ để đạt yêu cầu đón khách du lịch và tính toán làm sao có quỹ đất để xây dựng nhà cộng đồng (nhà sàn người Mường).

Ông Bùi Văn Biên, chủ ngôi nhà sàn ở xã Ba Trại cho biết, thời điểm dịch Covid chưa bùng phát, mỗi ngày ông nhận đơn đặt hàng  từ 5-10 mâm, nhiều có thể lên đến 20 mâm/ ngày. Hiện gia đình ông mới phục vụ các món ăn của người Mường. Nếu sau này Ba Trại phát triển du lịch sinh thái, khách tham quan đông và có nhu cầu thưởng thức văn nghệ ông sẽ kết nối để khách thưởng thức cồng chiêng, hoặc nghe Ru ún.

Theo ông Hoàng Văn Chuyển, Chủ tịch UBND xã Ba Trại chia sẻ: Nắm bắt xu hướng du lịch trải nghiệm đang nở rộ và nhiều tiềm năng phát triển, xã đã vận động các hộ dân cải tạo vườn chè và khuôn viên của gia đình để gây dựng cảnh quan thu hút du khách. Đồng thời, xã quy hoạch đường giao thông, đầu tư bãi đỗ xe ô tô để thuận tiện cho việc đón các đoàn khách. Năm 2021, Ba Trại tiếp tục đầu tư kiên cố hệ thống đường giao thông cho các làng nghề trồng và chế biến chè búp khô, trong đó tập trung vào thôn 3 và thôn 4 để phát triển làng nghề gắn với du lịch. Đây được coi là hướng phát triển mới mang lại hiệu quả kép, vừa đổi thay diện mạo miền núi, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.