Tuyên Quang: Thúc đẩy phát triển cây dược liệu

Thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang xác định phát triển dược liệu là hướng đi phù hợp nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, khai thác tiềm năng thế mạnh từng vùng, đảm bảo thêm thu nhập ổn định và giảm nghèo bền vững cho người dân.

Người dân xã Hùng Mỹ (Chiêm Hoá) chú trọng trồng cây dược liệu.
Người dân xã Hùng Mỹ (Chiêm Hoá) chú trọng trồng cây dược liệu.

Tuyên Quang được đánh giá là tỉnh có nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại. Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, toàn tỉnh có gần 150 ha trồng cây dược liệu, trong đó có nhiều loài cây có giá trị kinh tế cao như: Giảo cổ lam, cát sâm, sâm bố chính, đinh lăng, sachi, quế, nghệ, xạ đen, cà gai leo, hà thủ ô… Cây dược liệu có hầu hết ở các huyện, thành phố nhưng tập trung nhiều nhất ở các huyện: Lâm Bình, Chiêm Hoá, Sơn Dương. Với độ che phủ rừng tới 65%, việc phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng những năm gần đây còn đem lại hiệu quả kinh tế cao tại một số địa phương.

Tại huyện Lâm Bình - một huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang. Với thảm thực vật phong phú, khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với các loại cây, Lâm Bình là địa phương có cây dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại như: sâm, hà thủ ô, gừng, nghệ, giảo cổ lam, quế, ba kích, sâm đỏ, dứa dại, sa nhân, thảo quả... Đặc biệt, huyện Lâm Bình còn sưu tầm và trồng thử nghiệm được loại thảo dược quý là trà hoa vàng, trà trường thọ được mệnh danh là “Nữ hoàng của các loại trà”.

Để giúp người dân bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững những năm qua, huyện Lâm Bình đã xây dựng nhiều mô hình trồng các loài dược liệu dưới tán rừng tại các xã, thị trấn như Lăng Can, Phúc Yên, Bình An…

Được biết, năm 2021, huyện Lâm Bình đã triển khai Mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại xã Phúc Yên với 8 hộ gia đình tham gia, quy mô 20 ha cây ba kích và cây hà thủ ô và cây khôi nhung. Thực tế cho thấy các loại cây này đều thích nghi tốt với môi trường, điều kiện đất đai, khí hậu của khu vực và phù hợp với trình độ chăm sóc của đồng bào. Mô hình thành công, về lâu dài tạo ra được dược liệu tập trung, áp dụng quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến, có năng suất, chất lượng tốt, nhằm chủ động được vùng nguyên liệu cung cấp ổn định cho nhà máy chế biến; tạo công ăn, việc làm cho người dân địa phương, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.

Cây khôi nhung phát triển tốt tại huyện lâm Bình.
Cây khôi nhung phát triển tốt tại huyện lâm Bình.

Theo kế hoạch phát triển cây dược liệu, cùng với khai thác dược liệu trong tự nhiên, huyện Lâm Bình sẽ tập trung thu hút đầu tư vào việc trồng và chế biến, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và tạo việc làm ổn định cho người dân. Cùng với đó, huyện cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị kinh tế của dược liệu sẵn có tại địa phương; điều tra, đánh giá đúng thực trạng sử dụng tài nguyên rừng và đất rừng để có chính sách cụ thể phát triển vùng dược liệu…

Còn tại huyện Sơn Dương, xác định phát triển cây dược liệu là một trong những hướng đi mới góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo cú hích trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Sơn Dương đã hỗ trợ, vận động người dân tại một số xã trồng cây dược liệu, từ đó hình thành các vùng dược liệu tập trung. Đặc biệt, để đảm bảo đầu ra cho cây trồng, trước khi đưa cà gai leo vào trồng trên diện rộng tại các xã Hợp Hòa, Quyết Thắng, Sơn Nam, huyện đã làm cầu nối, liên kết với một số doanh nghiệp để kí kết hợp tác đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có 16,5 ha cà gai leo, bước đầu mô hình này đã đem lại giá trị kinh tế cao gấp 2, 3 lần so với các loại cây trồng trước đây. Năm 2021, sản phẩm cà gai leo của xã Hợp Hòa được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. 

Với nguồn dược liệu đa dạng, nhiều cây dược liệu những năm gần đây đã được các doanh nghiệp liên kết trồng, thu mua, chế biến. Công ty Thảo dược Tuệ Tâm (Thành phố Tuyên Quang) của bà Bàn Thị Liên cũng là một đơn vị thành công trong việc liên kết phát triển vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cây dược liệu. Hiện nay, Công ty của chị liên có 20 sản phẩm bảo vệ sức khỏe, trong đó có 1 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Sản phẩm mang thương hiệu Tuệ Tâm đã được tiêu thụ khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Công ty TNHH thảo dược Tuệ Tâm đã liên kết với 10 hộ dân, HTX trong tỉnh thực hiện trồng cây dược liệu với diện tích trên 10 ha. Các loại cây được trồng như: cát sâm, ba kích, cà gai leo, thìa canh... đều là những cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, chi phí đầu tư thấp.

Chia sẻ trước báo chí, bà Bàn Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH thảo dược Tuệ Tâm cho biết, với mô hình liên kết này, công ty đã cung cấp giống, hỗ trợ bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và cam kết bao tiêu đầu ra sản phẩm. Đây được coi là hướng đi hiệu quả, từng bước phát triển các cây trồng chủ lực, vừa giúp đơn vị đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất, vừa tăng thu nhập cho người dân. Nguồn nguyên liệu từ cây dược liệu đã giúp công ty đa dạng các sản phẩm; trong số đó, 3 sản phẩm OCOP của công ty là: bổ gan Tuệ Tâm, xương khớp Tuệ Tâm, hà thủ ô Tuệ Tâm đều có nguyên liệu từ cây dược liệu như: cà gai leo, tầm gửi gạo, nấm lim xanh, huyết đằng, hà thủ ô... Công ty phấn đấu đến năm 2025 sẽ mở rộng liên kết, phát triển lên thành 20 ha cây dược liệu tại địa phương, đưa thêm nhiều cây dược liệu mới về trồng trên diện rộng.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, mặc dù cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng một số cây nông nghiệp, song việc phát triển loại cây này vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, chưa tập trung, chủ yếu mang tính tự phát; việc thu hái thiếu ý thức bảo tồn, tái sinh đã làm suy giảm tài nguyên cây thuốc trong tự nhiên; thị trường đầu ra chưa ổn định nên người dân chưa yên tâm sản xuất. Các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến dược liệu tại các tỉnh còn ít, thiếu nhân lực kỹ thuật cao; chưa có cơ sở chế biến, chiết xuất dược liệu bảo đảm các tiêu chuẩn xuất khẩu...

Trồng và phát triển cây dược liệu không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn nguồn gen quý, tạo thảm thực vật, chống xói mòn đất, ngăn lũ. Do vậy, thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành chuyên môn tham mưu quy hoạch vùng trồng dược liệu, khuyến khích các địa phương linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những diện tích đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu; có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển vùng nguyên liệu theo hướng tập trung. Đồng thời, tăng cường liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình triển khai thực hiện trồng, phát triển cây dược liệu nhất là các loại dược liệu quý có giá trị kinh tế cao gắn với bao tiêu sản phẩm.